Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ và cách xử trí đúng cha mẹ cần biết


Khi thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi khiến nhiều trẻ mắc viêm tiểu phế quản cấp. Vậy cha mẹ cần nhận biết bệnh này như thế nào và cần làm gì cho bé một cách khoa học? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Viêm tiểu phế quản cấp là gì?

Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng cấp tính các ống dẫn khí nhỏ và trung bình trong phổi. Khi những ống này bị viêm, chúng trở nên phù nề và tiết đàm nhớt, có thể dẫn tới khó thở.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 1 tháng đến 2 tuổi do siêu vi gây ra, khởi phát sau viêm hô hấp trên.

Viêm tiểu phế quản do virus gây ra, virus này lây truyền rất dễ dàng từ người này sang người khác.

Những virus sống trong những giọt tiết (nước mũi, nước bọt) được phát tán trong không khí khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi và lây lan.

Trẻ nhỏ dễ mắc viêm tiểu phế quản

Các virus gây viêm tiểu phế quản là:

- Virus hợp bào hô hấp (RSV) là tác nhân hàng đầu: chiếm 50-70% các trường hợp viêm tiểu phế quản cấp.

- Human metapneumovirus

- Adenovirus: là loại có khả năng gây biến chứng nặng.

- Các siêu vi khác: Rhinovirus, parainfluenza…

2. Triệu chứng viêm tiểu phế quản cấp

- Khởi đầu trẻ bị viêm long hô hấp trên với các triệu chứng:

  • Sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Ho nhẹ.
  • Sốt nhẹ 38 độ hoặc hơn.
  • Biếng ăn.

- Sau vài ngày sẽ tiến triển sang viêm tiểu phế quản và xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Thở nhanh, ở trẻ nhỏ dấu hiệu đầu tiên có thể là cơn ngưng thở kéo dài 15- 20 giây.
  • Khò khè - có thể kéo dài tới 7 ngày.
  • Ho nặng tiếng - ho có thể kéo dài tới 2 tuần hoặc hơn.
  • Ăn uống khó khăn gây ra do các triệu chứng như: nghẹt mũi, ho, thở mệt…

3. Điều trị viêm tiểu phế quản cấp như thế nào?

- Điều cốt yếu trong điều trị viêm tiểu phế quản là đảm bảo đứa trẻ có đủ oxy. Do đó có thể cần phải lấy sạch nhầy mũi (hãy lấy nhầy mũi của trẻ bằng dụng cụ hút mũi) hoặc hít không khí ẩm, trường hợp nặng cần thở oxy.

- Kháng sinh là không cần thiết vì viêm tiểu phế quản gây ra bởi virus, kháng sinh không diệt được virus.

Chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp tại nhà

  • Cần đảm bảo con bạn uống đủ nước, hãy liên lạc với bác sĩ nếu con bạn tiểu ít hơn bình thường.
  • Sử dụng máy phun sương trong phòng bé.
  • Nếu con bạn mệt mỏi, khó chịu nhiều do sốt, bạn có thể dùng thuốc hạ sốt như acetaminophen. Liều dùng: 10-15mg/kg/lần, cách 4-6 giờ 1 lần nếu cần thiết. Ibuprofen có thể hạ sốt nhưng cần được bác sĩ chỉ định. Không bao giờ cho trẻ dùng aspirin để hạ sốt.
  • Nếu con bạn đã trên 1 tuổi, hãy cho con uống thêm nước nước ấm để làm dịu họng và làm loãng các chất nhầy tiết ở đường hô hấp.
  • Kê cao gối khi con nằm nếu con bạn đã trên 1 tuổi (không nên sử dụng gối nếu con bạn nhỏ hơn 1 tuổi vì nguy cơ nghẹt thở.
  • Hãy ngủ cùng con để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường của con khi đang bệnh: Ngưng thở, tím tái….
  • Đừng để người hút thuốc lá lại gần con bạn.

Tôi có cần đưa con tới gặp bác sĩ không?

Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản thường là nhẹ và không cần tới bác sĩ, tuy nhiên bạn phải theo dõi sát con.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp có thể phải hỗ trợ thở oxy.

Hãy tới gặp bác sĩ hay gọi cấp cứu ngay khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:

  • Trẻ ngưng thở.
  • Trẻ bắt đầu xanh tái hay nhợt nhạt.
  • Khó thở nặng.
  • Thở rên.
  • Trông trẻ rất mệt, thở rất nặng nhọc.

Hãy gọi cho bác sĩ để được tư vấn nếu bạn thấy con có một trong các dấu hiệu sau:

  • Vùng da hay cơ ở giữa các xương sườn hay ở dưới bờ sườn của trẻ bị co lõm vào mỗi khi trẻ thở.
  • Cánh mũi phập phồng.
  • Trẻ nhỏ hơn 3 tháng và có sốt.
  • Trẻ lớn hơn 3 tháng sốt kéo dài quá 3 ngày.
  • Trẻ tiểu ít hơn ngày thường (hãy theo dõi số lượng tã mỗi ngày).

4. Có thể phòng tránh viêm tiểu phế quản như thế nào?

Bạn có thể làm giảm được nguy cơ viêm tiểu phế quản cho con bạn bằng cách:

- Rửa tay người chăm sóc trẻ và tay trẻ thường xuyên bằng xà bông và nước hoặc sử dụng cồn sát trùng tay nhanh.

- Tránh tiếp xúc với người đang có biểu hiện bệnh hô hấp: ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt

- Chích ngừa cúm hàng năm cho trẻ.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn