Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ đến kỳ kinh nguyệt, con gái hỏi ''sao mẹ lại mặc bỉm'', lời giải thích của người mẹ khiến nhiều phụ huynh phải học hỏi


Giáo dục giới tính cho con từ bé là điều vô cùng quan trọng.

Nuôi dạy con là một hành trình hạnh phúc nhưng cũng đầy thử thách đối với các bậc phụ huynh. Không chỉ có các con mà cả bố mẹ cũng phải học hỏi từng ngày để đưa ra phương pháp chăm sóc và giáo dục con sao cho phù hợp nhất. Bước vào độ tuổi tò mò, thích khám phá về những điều kỳ lạ của cơ thể, trẻ sẽ có những câu hỏi ''khó nhằn'' đôi khi khiến các ông bố bà mẹ phải đau đầu tìm câu trả lời thích hợp.

Chị Hoàng Thị Mai Linh, (38 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) đã có cách xử lý rất tinh tế trong 1001 câu chuyện giới tính mà các con thắc mắc hàng ngày. Chị Linh hiện đang là mẹ của 2 em bé: một bé trai đang học lớp 4 và một bé gái chuẩn bị vào lớp 1. Hãy cùng lắng nghe một cuộc trò chuyện nhỏ trước giờ đi ngủ của hai mẹ con chị Linh nhé.

Vì sao mẹ lại mặc bỉm?

Buổi tối, trước khi đi ngủ, Mimi (5 tuổi) hỏi mẹ:

- Mẹ Miu ơi, mẹ đang mặc bỉm ạ?

- Ừ.

- Sao mẹ phải mặc bỉm? Mẹ sợ buổi đêm mẹ sẽ tè dầm ạ?

- Mẹ không sợ tè dầm. Nhưng cơ thể mẹ mấy ngày nay sẽ chảy ra rất nhiều dịch theo đường bộ phận sinh dục nên mẹ cần lót bỉm để không làm bẩn quần áo và ga giường.

- Tại sao mấy ngày nay cơ thể mẹ lại chảy ra dịch ạ?

- À, đây là hiện tượng bình thường của phụ nữ khi trưởng thành thôi. Tháng nào phụ nữ cũng sẽ có một số ngày như thế.

- Vì sao lại thế hả mẹ?

- Mimi muốn biết lý do hả? Mẹ sẽ giải thích cho Mi, nhưng để Mi hiểu được thì sẽ hơi dài dòng một tí. Mi có sẵn lòng nghe không?

- Có ạ.

- Ok. Thế này nhé. Mi cũng biết rằng khi phụ nữ trưởng thành thì mới có thể sinh em bé, phải không nào?

- Vâng ạ.

- Đố Mi biết: vì sao chỉ khi phụ nữ trưởng thành mới có thể sinh con?

- Bởi vì lúc đó bộ phận sinh sản của phụ nữ mới hoàn thiện ạ.

- Đúng rồi. Câu trả lời của Mi rất chính xác. Mẹ khen Mi vì sự hiểu biết của con nhé. Câu đố tiếp theo này: Khi một người phụ nữ mang thai, thai nhi đó nằm ở đâu?

- Thai nhi nằm trong bụng của mẹ ạ.

- Đúng rồi. Thai nhi sẽ nằm trong bụng mẹ, cụ thể là trong một bộ phận gọi là tử cung nằm ở khu vực bụng dưới của người mẹ (chỗ này này). Tử cung của người mẹ giống như một tổ ấm, một căn phòng ấm áp dành riêng cho thai nhi để thai nhi có thể phát triển, lớn lên ở trong đó cho đến lúc chào đời.

- À con nhớ ra rồi, trong cuốn sách về Cơ thể cũng nói đến tử cung ạ.

- Yeah, đúng thế. Mẹ lại đố Mi tiếp nhé: Thai nhi được tạo ra như thế nào?

- Khi tinh trùng của bố chui vào trong quả trứng của mẹ ạ. Bạn tinh trùng Willy không học giỏi toán nhưng lại bơi rất giỏi. Bạn ấy đã chiến thắng trong cuộc thi bơi và phần thưởng là quả trứng trong bụng mẹ ạ.

- Hihi, Mi đang nhắc đến bộ phim "Chú tinh trùng Willy đi đâu?" phải không?

- Dạ (Mimi rất thích bộ phim này nên rất sôi nổi khi nhắc đến nó).

- Đúng thế. Thai nhi sẽ được tạo ra khi tinh trùng của bố chui được vào trong quả trứng của mẹ. Sau đó, phôi thai sẽ di chuyển vào trong tử cung của mẹ để được nuôi dưỡng ở đó. Như vậy, theo Mimi, để có một em bé trong bụng mẹ, cơ thể người mẹ cần chuẩn bị những điều kiện gì?

- Trứng và căn phòng cho em bé ạ.

- Đúng rồi. Hàng tháng, cơ thể của một người phụ nữ trưởng thành và có sức khỏe sinh sản bình thường sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện để sẵn sàng cho việc tạo ra và nuôi dưỡng thai nhi. Ví dụ như: 1 hoặc 2 quả trứng lớn nhất sẽ di chuyển từ buồng trứng là nơi chuyên chứa các quả trứng tới một nơi chuyên để chờ đợi cơ hội gặp tinh trùng. Còn tử cung cũng sẽ thay đổi một chút để chuẩn bị chào đón phôi thai. Ở một số phụ nữ, bầu ngực cũng trở nên căng cứng và hơi đau một chút do tuyến sữa bên trong được kích hoạt. Nếu trứng được thụ thai, mọi việc sẽ diễn ra như Mi đã biết. Nhưng nếu trứng không được thụ thai thì chuyện gì sẽ xảy ra, Mi thử đoán xem nào?

- Sẽ không có em bé nào được tạo ra cả ạ.

- Đúng rồi. Khi không có em bé nào được tạo ra, những thứ mà cơ thể người phụ nữ đã chuẩn bị để chào đón thai nhi có được dùng đến không?


- Không ạ.

- Vậy chuyện gì sẽ xảy ra với chúng?

- Con không biết ạ.

- Ừ, bởi vì không được dùng đến nên chúng sẽ bị đào thải ra ngoài qua đường sinh dục dưới dạng chất lỏng chứa máu và dịch Mi ạ. Sẽ mất vài ngày để có thể đào thải hết những thứ đó ra khỏi cơ thể. Đến tháng tiếp theo, mọi chuyện sẽ lặp lại y như vậy. Cơ thể người phụ nữ sẽ lại chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành và nuôi dưỡng thai nhi. Và nếu những thứ mà cơ thể người mẹ chuẩn bị không được dùng đến, chúng sẽ lại được đào thải ra ngoài. Đó là lý do mà mỗi tháng mẹ sẽ có một vài ngày bị chảy máu và dịch như thế này.

- Sau này con lớn lên, con cũng sẽ thế ạ?

- Đúng vậy. Người phụ nữ khỏe mạnh nào cũng sẽ trải qua việc này. Nó là dấu hiệu cho biết cơ thể con đã có thể tạo ra em bé. Mi còn muốn hỏi mẹ điều gì không?

- Có phải vì cơ thể mẹ đang chảy máu và dịch nên mẹ bị đau bụng và khó chịu không?

- Đúng vậy. Không phải tất cả những một số phụ nữ sẽ bị đau bụng, đau lưng vào những ngày này, cộng thêm cảm giác lúc nào cũng ẩm ướt nữa nên sẽ khá là mệt mỏi, khó chịu Mi ạ. Mẹ có thể sẽ trở nên nhạy cảm và khó tính, dễ nóng giận hơn đấy. Mi có sẵn lòng chăm sóc, giúp đỡ và thông cảm cho mẹ trong những ngày như vậy không?

- Có ạ.

- Mẹ cám ơn Mi. Mẹ yêu Mimi!

- Con cũng yêu mẹ!

- Mi còn muốn hỏi gì về việc này nữa không? Nếu không còn câu hỏi nào nữa thì mẹ con mình đi ngủ nhé.

- Con không còn câu hỏi nào nữa ạ. Con chúc mẹ Miu hoàng hậu thần tiên cầu vồng xinh đẹp ngủ ngon!

- Chúc công chúa Mimi đáng yêu của mẹ ngủ ngon và mơ những giấc mơ đẹp nhé!

Sau khi được mẹ giải đáp khá cụ thể và rõ ràng, con gái chị Linh đã yên tâm đi vào giấc ngủ. Chắc chắn rằng sẽ cần rất nhiều buổi tâm sự giữa mẹ và con gái nữa để cô bé có thể hiểu thêm về vấn đề này nhưng cách trả lời của bà mẹ trẻ được không ít phụ huynh khen ngợi. Thay vì lảng tránh những câu hỏi "cắc cớ" của con bởi cho rằng đây là "chuyện của người lớn", "con còn quá nhỏ để biết", chị Linh đã từng bước nhẹ nhàng dùng những kiến thức khoa học, phương pháp đặt câu hỏi truy vấn, và những ngôn từ, hình ảnh giản dị, gần gũi, phù hợp với nhận thức của lứa tuổi nhi đồng để dẫn dắt bé khám phá ra câu trả lời. Một điều không kém phần quan trọng là trước đó, cô bé Mimi cũng đã được tiếp xúc với những kiến thức về cơ thể, giới tính thông qua các cuốn sách, bộ phim mà mẹ và các cô giáo ở trường mầm non của bé giới thiệu.

Cha mẹ, người lớn không nên tránh né, phớt lờ, phán xét nhu cầu tìm hiểu về giới tính của trẻ
Chia sẻ thêm về câu chuyện của bản thân, chị Mai Linh tâm sự chị rất may mắn khi được là mẹ của 2 em bé nhân ái, thân thiện, vui vẻ, lạc quan và có nguồn cảm xúc mạnh mẽ. "Mặc dù những khó khăn, thử thách vẫn luôn xuất hiện trong quá trình đồng hành với các con, theo từng giai đoạn phát triển của con, song mình luôn coi đó là những trải nghiệm thú vị trên hành trình làm cha mẹ và là cơ hội quý giá để mình khám phá bản thân, thấu hiểu con, kết nối với con và trưởng thành cùng con'', chị Linh khẳng định.

Bà mẹ hai con này cũng cho rằng: "Mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng biệt và duy nhất nên không có công thức chung áp dụng cho mọi đứa trẻ dù là trai hay gái. Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ cần lựa theo tính cách, xu hướng, giai đoạn phát triển,... của từng đứa trẻ cụ thể để có cách tiếp cận và giáo dục phù hợp".

Dạy con các kiến thức giáo dục giới tính là điều cực kỳ cần thiết.

Khi được hỏi về thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ, chị Linh cho biết: ''Việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được thực hiện từ lúc trẻ mới chào đời, bắt đầu từ việc hướng dẫn bé nhận biết và gọi tên các bộ phận trên cơ thể, bao gồm bộ phận sinh dục. Trẻ ở lứa tuổi lên 2, lên 3 đã bắt đầu nhận biết mình là trai hay gái. Giai đoạn sau đó là giai đoạn mà những đặc điểm giới tính của trẻ được phát triển mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Trẻ có nhu cầu tự khám phá cơ thể và giới tính của mình cũng như nhận biết và khám phá sự khác biệt với trẻ khác phái.

Chị Linh nhấn mạnh: ''Nhu cầu khám phá, tìm hiểu về cơ thể và giới tính của trẻ là nhu cầu khách quan, phản ánh sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Cha mẹ, người lớn không nên tránh né, phớt lờ hay phán xét trẻ khi trẻ thể hiện nhu cầu đó. Trái lại, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để kết nối với trẻ, tìm hiểu xem trẻ đang quan tâm đến vấn đề gì, đang nhận thức như thế nào, đang phát triển đến đâu về tâm sinh lý, từ đó giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu học hỏi và hướng dẫn trẻ.

Tùy theo độ tuổi và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ mà mức độ sâu rộng, chi tiết của nội dung thông tin, cũng như cách diễn đạt sẽ khác nhau. Song, dù ở lứa tuổi nào, giáo dục giới tính cho trẻ luôn cần đi kèm với khuyến khích trẻ yêu thương, trân trọng bản thân, ngay từ chính cơ thể và giới tính của mình. Những điều trẻ nên được dạy là:

+ Trân trọng, yêu thương cơ thể và giới tính của mình.

+ Làm chủ cơ thể của mình.

+ Hiểu biết về đặc điểm cơ thể, giới tính của mình.

+ Chăm sóc cơ thể như một cách thể hiện tình yêu thương với bản thân.

+ Tôn trọng cơ thể và giới tính của người khác.

Bên cạnh đó, một điều không kém phần quan trọng là những kiến thức về cơ thể, giới tính luôn cần được truyền đạt cho trẻ một cách khách quan, chính xác với một thái độ bình thản, ôn hòa, cởi mở''.

 

Theo Nhịp Sống Việt