Còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên còn mất tiền, bỏ được không?
Theo tôi, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đối với giáo viên là không cần thiết, không phù hợp nên được bãi bỏ càng sớm càng tốt. Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức là đề tài nóng hổi trên các diễn đàn, hội nhóm giáo viên mấy năm qua. Vì lo không được thăng hạng, chuyển hạng, xếp lương nên không ít giáo viên đã bỏ tiền túi đăng ký học các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tốn tiền triệu mà không giúp ích gì cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ năm 2015 đến năm 2021, giáo viên loay hoay với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Từ năm 2015 khi xuất hiện chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, giáo viên bắt đầu khổ sở, vất vả và tốn kém với các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III. Tại chùm Thông tư trên, tiêu chuẩn giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông các hạng I, II, III đều yêu cầu có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Giáo viên tiểu học, mầm non ở hạng IV muốn thăng hạng lên I, II, III đều cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nên mỗi giáo viên có thể “cõng” đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đến năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, quy định số lượng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên không hề giảm, mỗi giáo viên có thể vẫn phải “cõng” đến 3 chứng chỉ trên. Mỗi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải học 6-8 tuần với học phí không hề nhỏ từ 2,5-3 triệu đồng học phí cho mỗi chứng chỉ, chưa kể kinh phí đi lại, ăn uống, sinh hoạt phí,... Vị chi mỗi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên bỏ ra không dưới 5 triệu đồng. Giả sử, cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên, mỗi giáo viên bỏ tiền túi 5 triệu đồng để học 1 chứng chỉ thì giáo viên đã tốn đến hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó có đến hơn một nửa được chi trả cho đơn vị tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ. Một số tiền không hề nhỏ trong khi đồng lương của giáo viên còn nhiều khó khăn, theo người viết chứng chỉ trên thực chất chỉ là “giấy phép con” trong việc thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương mà không có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Những bài giảng trong lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thực chất là trình bày những nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn giáo viên, nhiệm vụ tổ trưởng, hiệu trưởng,... những điều giáo viên đã được biết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt chuyên môn và thông qua các cuộc họp hội đồng,... Nói chung, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chủ yếu giúp ai đó kiếm tiền từ những đồng lương chẳng dư giả gì của hàng triệu giáo viên cả nước. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên (Ảnh minh họa: VOV.vn) Từ ngày 10/12/2021, mỗi giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Tại khoản 3 Điều 18 quy định “3. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp….” [1] Như vậy, từ ngày 10/12 giáo viên chỉ còn duy nhất 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành và nó sẽ thay thế chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng trước đây. Các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi theo hướng giáo viên chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành. Việc giảm từ 3 xuống còn 1 chứng chỉ nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, tuy có giảm phần nào áp lực đối với giáo viên nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của giáo viên cả nước. Còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên còn mất tiền Như đã trình bày ở trên, theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP quy định mỗi giáo viên phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tức là mỗi giáo viên bắt buộc phải có 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Điều khiến người viết và rất nhiều đồng nghiệp đang đứng lớp đặc biệt quan tâm là các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng mà giáo viên đã có có được quy đổi thành "chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành" theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP hay không? Nếu không, chúng tôi có phải học và thi lấy 1 chứng chỉ "chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành" mới theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP? Ngoài ra, giả sử toàn bộ giáo viên hiện tại đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì mỗi năm ngành giáo dục cần phải tuyển dụng thêm giáo viên còn thiếu, giáo viên nghỉ hưu,... Trong năm 2022, Bộ Nội vụ đề xuất ngành giáo dục tuyển dụng gần 28.000 giáo viên [2] Như vậy nếu trong thời gian tới, ngành giáo dục tuyển được 28.000 giáo viên thì 28.000 giáo viên này phải học và có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để được bổ nhiệm ngạch giáo viên, trung bình chi 5 triệu đồng cho mỗi chứng chỉ thì năm 2022 các giáo viên trên đã phải tốn đến hơn trăm tỷ đồng. Hiện nay giáo viên ở các cấp học, bậc học còn thiếu khoảng 80.000 giáo viên cộng với nhiều giáo viên nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi, nên mỗi năm tới ngành giáo dục vẫn cần phải tuyển vài chục ngàn giáo viên. Như vậy, mỗi năm những giáo viên mới trên vẫn phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành này. Nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nếu không thì tổ chức học và cấp chứng chỉ miễn phí Bất cập, bất hợp lý về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã được phản ánh trong rất nhiều bài viết đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và các diễn đàn giáo dục cả nước. Do đó, người viết đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành cho giáo viên vì thực sự nó không cần thiết, tốn kém rất nhiều cho giáo viên cả nước. Ngày 9/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính Người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh việc vừa qua một số cơ quan đã rà soát, bỏ các văn bằng, chứng chỉ, quy định không cần thiết, tránh hình thức, chạy vạy, tiêu cực, việc này được dư luận và xã hội ủng hộ. "Tinh thần bám rất sát thực tiễn, cái gì thực sự cần thì đưa vào quy định, quy trình, tiêu chuẩn, cái gì không cần thì dứt khoát bỏ" - Thủ tướng nêu.[3] Ý kiến của Thủ tướng về việc cái gì không cần thì dứt khoát bỏ là chỉ đạo vô cùng đúng đắn, hợp lý thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hành chính trong việc giảm “giấy phép con” trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Rõ ràng việc tồn tại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đối với giáo viên là không cần thiết, không phù hợp nên được bãi bỏ càng sớm càng tốt. Nếu vẫn giữ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thì nên được đào tạo miễn phí và cấp tại trường sư phạm, khi sinh viên ra trường là đã có chứng chỉ trên, không phải vất vả, tốn kém để học sau khi trở thành giáo viên. Giáo viên cả nước sẽ vô cùng biết ơn Chính phủ và các bộ ngành nếu mong muốn bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được trở thành hiện thực trong thời gian tới. Tài liệu tham khảo: [1] Nghị định 89/2021/NĐ-CP [2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-noi-vu-de-xuat-bo-sung-gan-28-000-bien-che-giao-vien-post224651.gd [3] https://vietnamnet.vn/thu-tuong-bo-cac-van-bang-chung-chi-khong-can-thiet-duoc-du-luan-ung-ho-821492.html (*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Nguồn https://giaoduc.net.vn |