Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đau bụng kinh cảnh báo bệnh phụ khoa


Ngoài chế độ ăn uống không hợp lý hay bất thường tử cung, đau bụng kinh có thể bắt nguồn từ một số bệnh nguy hiểm như lạc nội mạc, viêm vùng chậu, u xơ, u nang tử cung...

Đau bụng kinh là chứng đau trong kỳ kinh nguyệt, thường bắt đầu khoảng thời gian trước, trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng thường kéo dài ít nhất là ba ngày, có người bị đau âm ỉ, người lại đau dữ dội; tái mặt; chân tay lạnh, thậm chí có người đau quằn quại dẫn đến hôn mê...

Bác sĩ Nguyễn Công Định, Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân gây đau bụng kinh như: Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý trong kỳ kinh nguyệt, uống ít nước, ăn nhiều đồ ăn có tính lạnh, không giữ ấm bụng... Vận động mạnh, chạy nhảy, làm việc nặng hoặc ít vận động, ngồi một chỗ quá nhiều cũng gây đau bụng kinh.

Một số lý do khác như cổ tử cung quá hẹp khiến kinh nguyệt khó lưu thông ra ngoài gây đau bụng kinh; đặt vòng tránh thai; do gia tăng bất thường progesterone và prrostaglandin trong máu tác động đến cơ tử cung. Tử cung co thắt không bình thường hoặc quá co thắt, không dễ dàng thả lỏng bình thường.

Những bất thường tử cung như phát triển không tốt, vị trí không bình thường, tử cung lùi về phía sau hoặc quá ngả về phía trước cũng ảnh hưởng đến sự lưu thông máu kinh và gây đau bụng khi hành kinh.

Ngoài ra, đau bụng kinh còn có thể bắt nguồn từ một số bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, vị trí nội mạc tử cung không bình thường, viêm vùng chậu, u xơ, u nang tử cung...

Để giảm đau bụng kỳ kinh, bác sĩ khuyến cáo chị em luôn giữ ấm cho cơ thể ,đặc biệt là vùng bụng, có thể dùng nước ấm để chườm bụng dưới cho bớt đau, tránh vận động mạnh. Duy trì chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước lọc, hạn chế đồ uống có cồn hoặc chất kích thích, kiêng đồ ăn lạnh cay trong kỳ hành kinh...

Khi đau bụng, có thể uống thuốc chống viêm không có steroid, thuốc giảm đau hay thuốc tránh thai. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như viêm loét dạ dày tá tràng, biến chứng thủng dạ dày ở người bị viêm loét dạ dày, viêm gan, viêm thận kẽ, hoại tử thận, cơn hen giả, kéo dài thời gian chảy máu, thậm chí là nhồi máu cơ tim...

"Lạm dụng thuốc còn có thể gây hội chứng không rụng trứng dù vẫn có kinh nguyệt bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh", bác sĩ nói. Nhiều người uống các loại thuốc tránh thai để giảm đau bụng kinh, tuy nhiên nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm mỏng nội mạc tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Do đó, khi dùng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Trường hợp cơn đau kéo dài, đau dữ dội cần đi khám sớm để phát hiện bất thường và điều trị.

Thùy An (Vnexpress.net)