5 cách chữa ho tại nhà hiệu quả cho trẻ Bố mẹ có thể giảm ho cho trẻ bằng các cách như dùng máy tạo ẩm, nước muối sinh lý, mật ong. Trẻ em thường bị ho và cảm lạnh khi tiếp xúc với vi trùng, ốm là điều kiện giúp phát triển hệ thống miễn dịch của trẻ. Cảm lạnh thông thường do virus gây ra có nhiều mức độ khác nhau và ho cũng vậy, nó có thể kéo dài một, hai tuần hoặc hơn. Phụ huynh có thể điều trị cảm lạnh thông thường cho trẻ ở nhà thông bằng các biện pháp như cho con nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái. Trẻ bị ho được khuyến khích nghỉ ngơi và uống đủ nước. Mỗi phụ huynh nên tìm hiểu thêm về các cách chữa ho tại nhà hiệu quả và áp dụng, đồng thời nhận biết các dấu hiệu khi nào trẻ cần được đưa đi khám. Điều trị cơn ho của trẻ phụ thuộc vào cả âm thanh và thời gian xuất hiện cơn ho. Có thể cho trẻ uống siro ho. Thuốc ho giúp trẻ giảm ho nhưng giới hạn đối tượng sử dụng, có thể gây ngạt thở nếu không sử dụng đúng chỉ định. Khi trẻ ốm cần cho trẻ nghỉ ngơi và giữ tinh thần thoải mái. Ảnh: Freepik Dưới đây là một số cách điều trị ho tại nhà cho trẻ bằng các biện pháp tự nhiên. Máy tạo ẩm Sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp giảm bớt các triệu chứng ho của trẻ bằng cách bổ sung độ ẩm cho không khí. Máy tạo độ ẩm giúp làm lỏng chất nhầy, có thể làm giảm ho và tắc nghẽn. Máy làm ẩm không khí mát được khuyên dùng cho trẻ em vì lý do an toàn, hiệu quả. Nếu không có máy tạo độ ẩm, có thể cho trẻ ngồi trong phòng tắm, dùng vòi hoa sen nước nóng xả xuống chậu để xông hơi giúp giảm tắc nghẽn. Mật ong Trẻ từ một tuổi trở lên có thể dùng phương pháp tự chế mật ong hòa tan trong nước ấm với chanh. Mật ong không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh vì nguy cơ ngộ độc. Mật ong hấp dẫn trẻ em vì có vị ngọt tự nhiên và có thể giúp chống nhiễm trùng do đặc tính ngăn chặn vi khuẩn, giúp làm dịu cơn đau họng. Không có giới hạn về lượng mật ong có thể cho trẻ dùng trong ngày nhưng phụ huynh nên lưu ý vì mật ong có hàm lượng đường cao. Mật ong có tác dụng giảm ho. Ảnh: Freepik Uống nhiều nước Giữ cho trẻ đủ nước là điều quan trọng khi trẻ bị ho. Chất lỏng sẽ giữ ẩm cho đường thở và giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Đảm bảo cung cấp nước, sữa mẹ hoặc sữa công thức đều đặn khi trẻ không được khỏe. Không nên cho trẻ uống nước trước sáu tháng vì có thể dẫn đến hạ natri máu. Nước muối sinh lý Nước muối sinh lý ngoài công dụng giúp cho trẻ thông mũi còn có lợi khi trẻ bị cảm lạnh vì giúp làm mềm và tống chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn. Nước muối sinh lý an toàn và có thể được sử dụng cùng với máy hút mũi hoặc khăn giấy, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Để nhỏ nước muối sinh lý, hãy nghiêng đầu của trẻ sang một bên, sau đó bóp nhỏ thuốc vào từng lỗ mũi. Lặp lại nếu cần thiết để giúp giảm tắc nghẽn, nhất là trước khi đi ngủ. Kê cao đầu khi ngủ Kê cao đầu của trẻ khi ngủ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chảy mũi sau. Khi nằm thẳng, chất nhầy có nhiều khả năng tích tụ ở phía sau cổ họng, dẫn đến ho nhiều hơn. Các chuyên gia lưu ý không sử dụng gối cho trẻ em dưới một tuổi rưỡi. Thông thường, các triệu chứng cảm lạnh, ho sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay nếu các triệu chứng của trẻ trở nặng như: ho kéo dài hơn 10 ngày, sốt cao trên 3 ngày, đau nhức tay, hôn mê khó thở, nhiễm trùng tai... Anh Chi (Theo Verywell Family)
|