Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng


Khi trẻ bị viêm mũi họng cha mẹ nên chú ý vệ sinh mũi họng đúng cách và thiết kế chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, thức ăn mềm, dễ nuốt.

Theo BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, viêm mũi họng là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, bao gồm mũi và hầu họng. Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh lây lan qua các giọt không khí nhỏ được thải ra ngoài khi một người bị nhiễm virus hắt hơi, ho, xì mũi hoặc giao tiếp. Bạn cũng có thể nhiễm virus hoặc vi khuẩn bằng cách chạm vào đồ vật bị nhiễm virus, chẳng hạn như tay nắm cửa, đồ chơi hoặc điện thoại, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Virus hoặc vi khuẩn có thể nhanh chóng lây lan trong bất kỳ môi trường nào, chẳng hạn như văn phòng, lớp học hoặc trung tâm giữ trẻ. Trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ viêm mũi họng nhiều hơn.

Trẻ bị viêm mũi họng cần được chăm sóc đúng cách. Ảnh: Shutterstock

"Viêm mũi họng do virus không thể chữa khỏi bằng các thuốc kháng sinh. Thay vào đó, bác sĩ sẽ tập trung vào việc điều trị triệu chứng. Các triệu chứng sẽ dần dần được cải thiện trong 3-7 ngày. Một số phương pháp điều trị thích hợp cho người lớn có thể không được áp dụng cho trẻ em. Trẻ khi viêm mũi họng dễ bị biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang trẻ em. Vì vậy, khi trẻ bị viêm mũi họng, trẻ cần được chăm sóc và theo dõi kỹ hơn", bác sĩ Thúy Hằng nhấn mạnh.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng

Vệ sinh mũi họng: khi viêm mũi họng đa số trẻ có triệu chứng nghẹt mũi, tùy vào mức độ nghẹt mũi nặng hay nhẹ, dịch mũi còn lỏng hay đặc mà cha mẹ cân nhắc việc rửa mũi cho con. Nếu nước mũi đặc khiến trẻ nghẹt mũi nặng có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, rồi dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ.

Phụ huynh cần chú ý tránh lạm dụng hút mũi và thực hiện không đúng cách có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ, gây chảy máu mũi.

Lưu ý, nếu dùng khăn vải lau mũi nên giặt ngay sau khi sử dụng; trong trường hợp dùng khăn giấy nên chọn giấy mềm, sau khi lau bỏ ngay vào thùng rác.

Với trẻ lớn, phụ huynh cần nhắc nhở để trẻ bỏ thói quen đưa tay lên miệng, mũi. Cha mẹ cũng nên giữ vệ sinh không gian sống nhất là nơi trẻ vui chơi, tắm cho trẻ bằng nước ấm dù trời nóng hay lạnh và lưu ý lau khô người trẻ trước khi mặc quần áo. Cha mẹ không nên cho trẻ ngồi trước điều hòa hay quạt sau khi tắm xong.

Trẻ khám bệnh viêm mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Về dinh dưỡng: Viêm mũi họng gây khó khăn trong việc nuốt thức ăn. Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ nên nấu những món mềm, dễ nuốt, chọn các món dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

Cho trẻ uống nhiều nước hoa quả, nước lọc. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, có thể cho trẻ ăn ít hơn bình thường tùy vào nhu cầu của trẻ. Để cải thiện tình trạng ho, cha mẹ có thể cho trẻ uống các loại siro ho thảo dược. Lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi.

Ngoài ra, cha mẹ không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ... Những thực phẩm này có thể gây đau rát họng, sưng họng và mũi họng tiết ra nhiều dịch hơn.

Về thuốc: Phụ huynh không tự ý dùng thuốc, không dựa vào đơn thuốc cũ, đơn thuốc của người khác mà nên đưa trẻ thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị phù hợp.

Anh Chi(Vnexpress.net)