Hai tuần tới lớp của trẻ dưới 3 tuổi ở TP.HCM Bên cạnh những phụ huynh e ngại dịch bệnh, để con ở nhà, nhiều cha mẹ đã cho trẻ dưới 3 tuổi trở lại lớp học, ở bán trú.
Từ ngày 1/3, các cơ sở cơ sở mầm non ở TP.HCM đón trẻ dưới 3 tuổi trở lại trường. Trước đó, tất cả cơ sở giáo dục mầm non đã dừng hoạt động trong 10 tháng do dịch Covid-19. Ghi nhận tại một trường mầm non quốc tế ở TP.HCM cho thấy khoảng 80% trẻ đi học lại, trong đó 50% bé dưới 3 tuổi đến trường. Bà Phùng Thị Thúy Hằng, Giám đốc vận hành hệ thống trường này, cho biết phụ huynh nên cho trẻ đi học trở lại, giúp con có nền tảng vững chắc cho các cấp học sau này. Trẻ ở nhà không đảm bảo 100% âm tính với SARS-CoV-2.
Anh Trần Khánh Tùng, phụ huynh bé 3 tuổi, chia sẻ khi ba mẹ đã đi làm trở lại, việc gửi con đến trường thuận tiện cho công việc. Anh cũng yên tâm khi nhà trường chuẩn bị các biện pháp an toàn như tập huấn trước với bác sỹ, đo nhiệt độ, rửa tay. "Mọi người đã có đầy đủ kiến thức để chăm sóc bé nếu con không may mắc Covid-19. Tôi có bác sỹ gia đình, sẽ điều trị kịp thời", anh nói.
Sau 10 tháng nghỉ học, trẻ đến trường có phần bỡ ngỡ, bịn rịn cha mẹ. Giáo viên có nhiều hoạt động để các con làm quen với nếp sinh hoạt mới.
Giáo viên đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường. "Trong trường hợp lớp có bé mắc Covid-19, khi khỏi bệnh quay lại trường, giáo viên sẽ để ý hơn, giúp các con vượt qua triệu chứng hậu Covid-19. Bên cạnh đó, cô giáo sẽ giúp bé cập nhật kiến thức con đã bỏ lỡ", cô giáo Tô Thị Trúc Hà chia sẻ.
Theo cô Hà, trẻ đến trường được rèn luyện nhiều kỹ năng mà khi các con ở nhà hay học online khó thực hành, ví dụ việc cầm bút, cầm kéo, hoạt động nhóm.
"Con có khoẻ không? Cuối tuần ba mẹ có đưa con đi chơi không?", thông tin về cảm xúc, sức khỏe của trẻ được gợi mở bằng các câu hỏi ngay khi bắt đầu vào học.
Số lượng trẻ đến trường ít làm ảnh hưởng quá trình giáo viên chuẩn bị bài giảng. Cụ thể, mỗi lần giáo viên dự định chia lớp thành các nhóm nhỏ để thực hành hoặc tìm hiểu kiến thức lại không đủ sĩ số nên việc tiếp cận, quan tâm đến từng em gặp khó khăn.
Giờ học và ra chơi của các lớp xen kẽ, vừa đảm bảo hạn chế tiếp xúc, vừa giúp trẻ có những hoạt động thể chất phù hợp.
Nhà trường chuẩn bị phòng cách ly tạm thời và lối đi riêng cho trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Trước thông tin Bộ Y tế đề xuất F0, F1 không có triệu chứng trong thời gian cách ly có thể đi làm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng học sinh F1 nên đi học bình thường, không cần nghỉ ở nhà theo dõi như F0. Tuy nhiên, khi đến trường, các em cần thực hiện nghiêm quy tắc 5K và được theo dõi sức khỏe cẩn thận. Nguồn https://zingnews.vn |