Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ nhiễm Omicron sốt co giật xử trí thế nào


Các bác sĩ nhi khoa ghi nhận biến chủng Omicron khiến nhiều trẻ sốt cao kèm co giật, phụ huynh cần mua sẵn các loại thuốc hạ sốt, dùng đúng liều cho bé.

Theo bác sĩ nhi khoa Đỗ Tiến Sơn, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, nhiều bác sĩ cấp cứu nhi ghi nhận gần đây đa số trẻ đi cấp cứu ban đêm vì co giật kèm sốt. Kết quả xét nghiệm sau đó bé dương tính Covid-19. Trong bối cảnh Omicron chiếm ưu thế tại TP HCM, nhiều khả năng các cháu sốt co giật do biến chủng mới.

"Thông thường trẻ mắc Covid ít khi diễn biến nặng, tuy nhiên bé điều trị tại nhà, bố mẹ đôi khi khó kiểm soát cơn sốt của con", bác sĩ Sơn chia sẻ. Theo đó, bố mẹ nên hạ sốt đúng cách, giúp trẻ đỡ mệt, ăn uống tốt, không mất nước, nhanh hồi phục, giảm nguy cơ nhập viện... Ngoài ra hạ được sốt sẽ dự phòng cơn co giật.

Bác sĩ khuyên phụ huynh nên mua sẵn thuốc hạ sốt paracetamol đủ dùng cho 3-5 ngày, hàm lượng phổ biến là 80 - 125 - 250 - 300 - 500 mg. Thuốc nên mua ở dạng đơn chất, tức là gói hoặc viên thuốc chỉ có paracetamol, không kèm các dược chất khác. Chọn thuốc phù hợp với cân nặng của trẻ, ví dụ trẻ dưới 10 kg mua loại 80 mg, nặng 10-15 kg mua loại 125/150 mg, nặng 20-25 kg mua loại 250/300 mg. Mua sẵn cả thuốc dạng viên đạn (nhét hậu môn) và để sẵn vào ngăn mát tủ lạnh phòng khi cần cho trẻ nhỏ. Hàm lượng paracetamol dạng viên đạn phổ biến là 80 - 150 - 300 mg, có thể cắt bớt viên đạn trước khi đặt hậu môn bé để chuẩn liều.

Riêng thuốc hạ sốt ibuprofen, phụ huynh không cần mua nhiều, chỉ mua một lọ hoặc vài ống để dự phòng, hàm lượng thường gặp là 10 mg hoặc 5 ml. Ibuprofen không được khuyến cáo dùng ngay từ đầu, chỉ mua để dự phòng sốt cao khó hạ. Bình thường thuốc này cần sử dụng theo ý kiến bác sĩ vì hạ sốt mạnh, kéo dài nhưng nhiều tác dụng phụ và không được dùng trong một số bệnh nhất định.

Trẻ có tiền sử co giật do sốt, từng được bác sĩ kê đơn Depakin uống trong những ngày sốt, phụ huynh nên mua thêm thuốc ibuprofen.

Liều dùng thuốc hạ sốt

Trẻ dùng paracetamol liều 12 mg/kg/lần, tức số mg thuốc mỗi lần trẻ uống bằng số cân nặng hiện tại nhân với 12. Khoảng cách giữa hai lần uống là 4-6 tiếng. Hơn nửa số trẻ "sốt cao khó hạ" là do cho uống thiếu liều. Trẻ nôn, quấy khó uống hoặc sốt khi đang ngủ, nhét thuốc viên đạn với liều phù hợp vào hậu môn.

Ibuprofen 100 mg/5ml liều dùng 10 mg/kg/lần, khoảng cách giữa hai lần uống là 6 tiếng. Cách tính nhanh để uống thuốc là cân nặng của bé trừ 1, sau đó chia đôi, ra số ml uống mỗi lần. "Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng ibuprofen, liều tính nhanh này chỉ dùng khi cấp bách", bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Xử trí sốt cao khó hạ

Trẻ sốt trên 38,5 độ C, mệt quấy hoặc có tiền sử co giật do sốt, phụ huynh cần cho uống thuốc hạ sốt paracetamol, chườm ấm nách, bẹn. Chờ 30-60 phút đo lại nhiệt độ. Nếu hạ sốt tốt, chỉ cần theo dõi tiếp. Trẻ không hạ sốt hoặc tăng cao hơn, gọi bác sĩ ngay hoặc cho uống một liều ibuprofen đúng liều như trên. Theo dõi thêm một giờ, đo lại, hạ sốt thì theo dõi trẻ, chờ đến sáng để gọi bác sĩ; trường hợp không hạ sốt hoặc tăng cao hơn, gọi bác sĩ ngay và chuẩn bị đi viện.

Xử trí trẻ co giật

Bình tĩnh đặt trẻ xuống giường hoặc sàn phẳng, tránh ngã, va đập vào đồ vật xung quanh. Không ghì giữ trẻ, không nhét tay, đũa, khăn vào miệng trẻ. Sau khi hết cơn giật, cho trẻ nằm nghiêng một bên đề phòng nôn trớ. Nếu sờ thấy nóng hoặc hơi nóng, nhét một viên hạ sốt đúng liều vào hậu môn ngay vì sẽ sốt tăng rất nhanh. Phải cho trẻ uống, nhét thuốc hạ sốt trước khi tới viện. Nếu cơn co giật kéo dài, trẻ tím tái hoặc ngừng thở, hà hơi thổi ngạt ép tim ngay, đưa tới bệnh viện.

Lê Phương (VNexpress.net)