Tim bẩm sinh, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim, bệnh Kawasaki, viêm màng ngoài tim thường gặp ở trẻ với các triệu chứng đa dạng. Việc mắc bệnh tim ảnh hưởng đến trẻ em. Tuy nhiên, với những tiến bộ của y học và công nghệ, nhiều trẻ em mắc bệnh vẫn có một cuộc sống năng động. Dưới đây là những bệnh tim trẻ thường mắc, theo Healthline. Bệnh tim bẩm sinh Bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh (CHD) là những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và tồn tại sau sinh. Nhóm bệnh tim bẩm sinh có tắc nghẽn gồm: hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi. Nhóm dị tật vách ngăn gồm: thông liên nhĩ, di tật thông liên thất... Dị tật tim bẩm sinh có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Chúng thường được điều trị bằng phẫu thuật, thủ thuật đặt ống thông, thuốc, cấy ghép tim. Một số trẻ phải theo dõi, điều trị suốt đời. Xơ vữa động mạch Xơ vữa động mạch là thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự tích tụ của chất béo, các mảng chứa đầy cholesterol bên trong động mạch. Khi sự tích tụ tăng lên, các động mạch trở nên cứng, thu hẹp, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và các cơn đau tim. Thông thường cơ thể mất nhiều năm để xơ vữa động mạch phát triển. Trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị chứng này là điều bất thường. Béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các bác sĩ khuyến cáo, gia đình nên tầm soát cholesterol, huyết áp thường xuyên ở trẻ em có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc tiểu đường, thừa cân, béo phì. Điều trị bệnh bao gồm thay đổi lối sống như tăng cường tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Loạn nhịp tim Rối loạn nhịp tim là tình trạng xảy ra khi các xung điện điều phối nhịp tim hoạt động bất thường, khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Các triệu chứng trẻ có thể gặp bao gồm: mệt mỏi, ngất xỉu, chán ăn... Phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp tim và mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của trẻ. Bệnh Kawasaki Bệnh Kawasaki là tình trạng sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ, với đặc điểm có viêm lan tỏa của hệ mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim. Bệnh hiếm gặp, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân gây ra nó. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Trẻ em mắc bệnh này thường phải tái khám theo hẹn suốt đời để theo dõi sức khỏe tim mạch. Viêm màng ngoài tim Tình trạng này xảy ra khi túi hoặc màng mỏng bao quanh tim (màng ngoài tim) bị viêm hoặc nhiễm trùng. Lượng chất lỏng giữa hai lớp của nó tăng lên, làm suy giảm khả năng bơm máu của tim như bình thường. Viêm màng ngoài tim có thể xảy ra sau khi phẫu thuật để sửa chữa CHD hoặc có thể do nhiễm trùng do vi khuẩn , chấn thương ngực hoặc rối loạn mô liên kết như lupus. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi của trẻ và sức khỏe tổng thể. Nguồn VNE |