Nếu áp dụng phương pháp này, cha mẹ đừng quá khắt khe với chính mình khi con sai lầm. Bởi ta không thể nhẹ nhàng với con, nếu không nhẹ nhàng với chính mình. Một người mẹ giúp con trai bình tĩnh lại sau cơn đau dữ dội bằng cách ôm con và hít thở sâu cho đến khi đứa bé nói muốn uống nước. Một đứa trẻ mới chập chững làm đổ cà phê ra khắp kệ đồ chơi. Người mẹ hướng dẫn con cách lau vết đổ và giải thích vì sao không thể làm vậy. Cậu bé ngoan ngoãn nghe lời, không có cuộc chiến nào xảy ra. Hai người mẹ nói trên đang thực hành cách nuôi dạy con cái nhẹ nhàng, một trong bốn cách nuôi dạy con do Diana Baumrind, nhà tâm lý học ĐH California Berkeley nghiên cứu từ những năm 1960. Sarah Ockwell-Smith, tác giả của cuốn "Nuôi dạy con nhẹ nhàng" và "Kỷ luật nhẹ nhàng" cho biết: "Hầu hết mọi người nghĩ đây là việc dễ. Nhiều người lầm tưởng rằng phương pháp đó có nghĩa cha mẹ hiền, không có kỷ luật, không có quy tắc, không có giới hạn, để con muốn làm gì thì làm. Họ được xem là những người ngồi yên và bào chữa cho hành vi của con". Thực chất, nuôi dạy con nhẹ nhàng là phương pháp dựa trên bốn yếu tố: tôn trọng, thấu hiểu, đồng cảm và ranh giới.
Theo Ockwell-Smith, bạn phạt một đứa trẻ không biết cách kiểm soát hành động giống như phạt một con cá heo vì không biết đi xe đạp. "Chúng đều là nhiệm vụ bất khả thi về mặt sinh lý và tâm lý", Ockwell-Smith nói. Nuôi dạy con nhẹ nhàng hướng nhiều hơn đến dạy dỗ và làm gương cho con, trái ngược với hình phạt truyền thống. Ví dụ, nếu cha mẹ thấy khổ sở vì mặc quần áo cho con buổi sáng, hãy nghĩ xem có cách giúp con biết mặc đồ. Cha mẹ có thể cho phép con chọn quần áo mình thích. Sau đó, hãy thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng trẻ có thể tự mặc quần áo, để khích lệ bé. Tất nhiên, sẽ có ngày đứa trẻ không nghe theo lời cha mẹ. Việc bạn cần làm là bình tĩnh truyền đạt, kiên quyết yêu cầu con làm theo. "Trẻ mới biết đi thường quấy khóc. Trẻ vị thành niên thường cãi lại và hành động thô lỗ", Ockwell-Smith nói. Tuy nhiên, cần phân biệt kỷ luật trong hiện tại và trong hoàn cảnh khẩn cấp. Sẽ có những tình huống cấp bách cha mẹ không có nhiều thời gian để dạy con một cách nhẹ nhàng. Ví dụ, kỷ luật khẩn cấp được thực hiện khi ngăn đứa trẻ vượt trước đầu ôtô, ném điện thoại xuống bồn cầu. "Bạn phải dừng hành vi đó trước khi nghĩ đến những việc tích cực. Chúng ta thường ngăn điều đó bằng cách hét toáng lên", Ockwell- Smith nói. Khi tình huống không còn khẩn cấp, cha mẹ có thể hỏi con cái lý do chúng hành động như vậy và hướng dẫn con cách quyết định an toàn hơn để chúng hành động trong tương lai. Mặc dù nghiên cứu toàn diện về nuôi dạy con cái nhẹ nhàng chưa được công bố, nhưng nhiều nguyên tắc đã cho kết quả khả quan khi được thực nghiệm. Nghiên cứu năm 2019 công bố trên tạp chí Tâm lý học trẻ em thực nghiệm, Mỹ, cho thấy, khuyến khích nhẹ nhàng có thể giúp trẻ mới biết đi nhút nhát điều chỉnh bản thân tốt hơn. Theo một nghiên cứu năm 2014, trên tạp chí Social Development, Mỹ, để giúp trẻ hiểu cách chúng nên cư xử, tập trung vào kỷ luật hiệu quả hơn hình phạt. Tại sao việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng lại khó? Bạn có thể tham khảo nhiều tài liệu về phương pháp này, nhưng thực hành không dễ. Cha mẹ phải bình tĩnh khi con đang cáu kỉnh, đặc biệt khi bạn đang mệt mỏi hoặc căng thẳng. Nuôi dạy con theo phương pháp này sẽ giúp phụ huynh rèn tính kiên nhẫn và tạo thói quen tốt hơn. "Xưa kia, bố mẹ khó khăn khi nuôi dạy ta. Vì vậy, đến lượt chúng ta cũng khó nuôi dạy con mình. Để nhẹ nhàng với con, chúng ta gần như phải nhìn lại mình, hiểu hành trang mình có cũng như hiểu điều gì tạo nên con người ta bây giờ", Ockwell-Smith nói. Theo chuyên gia, nuôi dạy con nhẹ nhàng sẽ trở thành bản năng và tự nhiên hơn khi cha mẹ hiểu lý do mình quát mắng, trừng phạt con vì điều gì đó. Nguồn VNE |