Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh nhân ung thư vú có nên cho con bú?


 

Bệnh nhân ung thư vú có nên cho con bú hay không phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như phương pháp điều trị mà người mẹ được chỉ định.

Bệnh ung thư vú xảy ra khi các tế bào ở vú phát triển bất thường, tạo thành khối u. Ung thư vú không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây từ mẹ sang con trong quá trình cho con bú. Tuy nhiên, các loại hóa chất, thuốc hoặc tia xạ dùng trong điều trị ung thư vú có thể theo sữa mẹ truyền sang em bé, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Tùy vào giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị được chỉ định mà bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân ung thư vú có thể cho con bú hay không.

Trước khi điều trị

Trên thực tế, phát hiện ung thư vú trong quá trình cho con bú rất khó xảy ra nhưng không phải là không thể. Nếu bệnh nhân nhận thấy các dấu hiệu bất thường và đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán ung thư vú. Hầu hết, các phương pháp chẩn đoán này không gây ảnh hưởng đến quá trình cho con bú của bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh không cần trì hoãn việc cho con bú trong giai đoạn này.

Sau khi được chẩn đoán xác định ung thư vú, bệnh nhân đang cho con bú nên bắt đầu nghĩ đến việc hút và trữ sữa hoặc nghiên cứu các loại sữa công thức cho em bé.

Trong quá trình điều trị

Với hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ngừng việc cho con bú trong quá trình điều trị ung thư vú. Các loại hóa chất và thuốc được dùng để điều trị ung thư vú như thuốc hóa trị, thuốc gây mê... trong quá trình phẫu thuật có thể được bài tiết qua sữa mẹ và truyền sang bé. Ngừng cho con bú cũng làm giảm lưu lượng máu đến vú, giúp vú nhỏ lại, dễ khám và ít bị nhiễm trùng hơn.

Đối với những bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, ngoài các nguy cơ liên quan đến thuốc gây mê, việc cắt bỏ khối u ở vú cũng gây đau và khiến mẹ không thể cho con bú ở bên ngực được điều trị.

 


Sữa mẹ cung cấp cho bé nhiều dưỡng chất để trẻ phát triển nhưng khi điều trị ung thư vú, người mẹ được khuyên ngừng cho con bú. Ảnh: Shutterstock.

Với xạ trị, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh dừng cho con bú trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, nếu chỉ điều trị ở một bên ngực, bệnh nhân vẫn có thể cho con bú sau khi xạ trị bằng bên ngực còn lại. Bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân cho con bú có an toàn hay không dựa trên loại bức xạ được sử dụng và thời gian điều trị dự kiến.

Sau khi điều trị

Sau khi điều trị ung thư vú, người bệnh có thể bắt đầu cho con bú trở lại. Tuy nhiên, tùy vào từng phương pháp cụ thể mà bác sĩ sẽ xem xét thời điểm thích hợp để làm việc này.

Nếu thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u, bệnh nhân có thể bắt đầu cho con bú trở lại khi vết thương ở ngực lành hẳn. Đôi khi, quá trình phẫu thuật làm ảnh hưởng đến các ống dẫn sữa và khiến lượng sữa tiết ra không được nhiều. Lúc này, bệnh nhân không cần quá lo lắng bởi việc cho con bú thường xuyên sẽ giúp kích thích quá trình tiết sữa. Nếu phải cắt bỏ toàn bộ một bên ngực, bệnh nhân có thể cho con bú bằng bên ngực không phẫu thuật. Trong trường hợp cần hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, thời gian cho con bú của bệnh nhân có thể thay đổi tùy vào phương pháp được áp dụng.

Bệnh nhân cũng có thể cho con bú trở lại sau một thời gian ngắn kết thúc xạ trị. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian thích hợp để thực hiện việc này. Khác với phẫu thuật và xạ trị, các loại hóa chất và thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư vú vẫn có khả năng tồn tại trong cơ thể mẹ và bài tiết qua sữa. Bác sĩ sẽ cần kiểm tra cẩn thận nồng độ các chất này trong sữa mẹ trước khi quyết định xem bệnh nhân có được cho con bú trở lại hay không.

Nguồn Afamily