Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hen phế quản ở trẻ mùa lạnh, cách xử trí đúng cơn hen cấp


Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính hay gặp nhất ở trẻ em. Đây là tình trạng bệnh lý đa dạng, với đặc điểm là viêm mạn tính đường thở. Thời tiết lạnh ẩm khiến căn bệnh có xu hướng tái phát, gia tăng và làm nhiều bậc cha mẹ lo lắng vì bệnh thường kéo dài dai dẳng.

1. Tổng quan về hen phế quản ở trẻ

Hen phế quản được đặc trưng bởi các triệu chứng như: Khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, những triệu chứng này thường thay đổi theo thời gian và cường độ, cùng với hạn chế thông khí dao động.

Hen phế quản là một bệnh phổ biến. Trên thế giới có 300 triệu người mắc bệnh hen. Tỷ lệ mắc hen phế quản ở trẻ em thay đổi tùy theo từng nước, dao động từ 3 - 20%. Các nước vùng ven biển, vùng ôn đới có tỷ lệ trẻ mắc hen cao nhất. 

Ngược lại, những nước đang phát triển hoặc các nước nhiệt đới, tỷ lệ trẻ mắc hen phế quản thường thấp. 

Một nghiên cứu tại Hà Nội năm 2003 trên trẻ em từ 5 - 11 tuổi cho thấy tỷ lệ trẻ đã từng khò khè 24,9%, khò khè trong vòng 12 tháng là 14,9%, từng bị hen phế quản là 12,1%, hen phế quản được chẩn đoán bởi bác sĩ là 13,9%.

Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em.

2. Nguyên nhân và yếu tố kích thích khởi phát cơn hen phế quản cấp

Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính, có những giai đoạn khởi phát xen lẫn các thời kỳ thuyên giảm. Cơn hen phế quản cấp có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau trong năm, gây ra bởi các yếu tố kích thích khác nhau và gây nên các phản ứng viêm khác nhau.

Các yếu tố gây khởi phát cơn hen cấp là nhiễm virus đường hô hấp, tiếp xúc với dị nguyên đường hô hấp. Tình trạng gắng sức, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết hoặc yếu tố tâm lý… có thể kích thích khởi phát hen phế quản cấp.

Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết… có thể kích thích khởi phát hen phế quản cấp.

3. Biểu hiện cơn hen cấp

Biểu hiện thường thấy của cơn hen cấp là ho, khởi đầu là ho khan, sau xuất tiết nhiều đờm rãi, ho dai dẳng, ho nhiều nửa đêm về sáng, nhất là khi thay đổi thời tiết. Bệnh nhân khạc đờm trắng, bóng, dính.

Tình trạng khó thở là biểu hiện rõ nhất của cơn hen cấp, khó thở thường xuyên kiểu khó thở ra, có tiếng khò khè, cò cử chủ yếu nửa đêm về sáng. Trước khi khò khè thường xuất hiện một số dấu hiệu báo trước như: Hắt hơi, ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi hoặc một số triệu chứng khác như: Chán ăn, đau bụng, nặng ngực...

Các biểu hiện của hen chỉ xảy ra trong cơn hen, ngoài cơn hen người bệnh thường cảm thấy bình thường. Trên thực tế, hen phế quản ở trẻ em thường hay chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản… vì vậy, cha mẹ cần phải quan sát chính xác các biểu hiện của trẻ để có biện pháp xử trí kịp thời.

 

Tình trạng khó thở là biểu hiện rõ nhất của hen phế quản.

4. Chẩn đoán hen phế quản

Với các biểu hiện lâm sàng, các chỉ định thường được chỉ định như: Chụp Xquang, xét nghiệm máu, thăm dò chức năng hô hấp… 

Xquang tim phổi nếu giai đoạn đầu thường bình thường, sau đó xuất hiện hiện tượng ứ khí, lồng ngực giãn rộng. Nếu bệnh nhân ho khạc nhiều đờm có thể thấy các biến chứng tắc nghẽn trên phim Xquang, hình ảnh rối loạn thông khí, xẹp phổi. Thăm dò chức năng hô hấp để đánh giá mức độ nặng của hen, độ tắc nghẽn đường thở cũng như kết quả điều trị.

5. Xử trí cơn hen cấp ở trẻ

Nhận biết sớm cơn hen của trẻ là vô cùng quan trọng. Các dấu hiệu cơn hen đang đến ở trẻ là (ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm). 

- Nếu chẳng may xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của cơn hen, việc cần làm là tránh xa (nếu được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện như: Phấn hoa, lông thú vật, khói thuốc lá, mùi hóa chất… và tìm một chỗ thoáng đãng để ngồi. 

- Khi có cơn hen cấp, nếu đã được thầy thuốc hướng dẫn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông). 

- Các triệu chứng của hen diễn ra từng cơn, có thể tự phục hồi sau điều trị. Khi trẻ lên cơn hen cấp có thể dẫn đến tử vong vì suy hô hấp cấp, cần cho trẻ ra chỗ thoáng khí, không khí trong lành và đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu cần cấp cứu:

Cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay khi thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn. 

Trẻ vẫn còn khó thở hoặc thấy trẻ nói năng khó nhọc, phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng, tím tái môi hay đầu ngón tay… phải đưa đi cấp cứu ngay, vì đây là dấu hiệu rất nguy kịch.

 

Nhận biết sớm dấu hiệu cơn hen của trẻ là vô cùng quan trọng.

6. Phòng tránh hen phế quản

Bệnh hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hiện nay người bệnh có thể kiểm soát nếu được điều trị kịp thời và theo đúng phác đồ. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải giúp trẻ tuân thủ đúng theo chế độ điều trị dự phòng thì hiệu quả phòng bệnh mới đạt kết quả tốt.

Để phòng tránh hen phế quản cần:

Chủ động phòng tránh những yếu tố làm khởi phát cơn hen, cha mẹ cần vệ sinh sắp xếp đồ đạc trong nhà sạch sẽ, gọn gàng thông gió tốt.

Không nuôi súc vật như: chó, mèo... 

Không cho trẻ hít phải khói thuốc lá, thuốc lào. 

Không để hoa tươi, phấn hoa trong phòng ngủ của trẻ. 

Không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi như: gấu bông, chăn nhiều lông…

Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản, các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua...

 

Tóm lại: Bệnh nhân bệnh hen phế quản cần phải có chế độ, kế hoạch phòng ngừa và điều trị bệnh hen theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cần chú ý đến các dấu hiệu có thể xuất hiện cơn khó thở cấp tính và phải luôn mang bên mình thuốc cắt cơn khó thở…

Chính vì lẽ đó, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ về các yếu tố nguy cơ đối với căn bệnh của trẻ, luôn để ý đến những bất thường của trẻ. Điều này sẽ giúp hạn chế khởi phát cơn hen và có biện pháp xử trí kịp thời.

Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn.

 Nguồn https://suckhoedoisong.vn