Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Độ tuổi ảnh hưởng thế nào đến khả năng sinh sản?


 

Khả năng sinh sản của nam giới và nữ giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tuổi tác đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cơ hội thụ thai giảm dần theo độ tuổi

Càng lớn tuổi, khả năng sinh sản của cả hai giới sẽ càng giảm. Vì vậy, mỗi người cần có kế hoạch cân đối thời gian cho sự nghiệp và lập gia đình, sinh con để không bỏ lỡ "thời điểm vàng" mang thai và sinh con.

Với nữ giới, theo bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM, tuổi tác ảnh hưởng đáng kể đến khả năng có con. Tất cả phụ nữ sinh ra đã có một số lượng trứng giới hạn. Càng lớn tuổi, số lượng và chất lượng trứng càng giảm dần theo thời gian. Cơ hội có thai cao nhất của phụ nữ là trong khoảng 20 tuổi cho đến đầu những năm 30 tuổi.

Khả năng sinh sản của phụ nữ đã bắt đầu giảm ngay từ tuổi 27 và giảm nhanh sau tuổi 35. Khi đó tổng số noãn ở hai bên buồng trứng cũng như chất lượng noãn sẽ suy giảm. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng tốt nhất người phụ nữ nên có thai ở độ tuổi dưới 30. Nếu trễ hơn, hãy cố gắng có con trước 35 tuổi. Bên cạnh đó, nếu sau 6 tháng cố gắng mà chưa có thai, nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt để kịp thời sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản (nếu cần).

Theo thống kê tại các đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm trên toàn thế giới, tỷ lệ có thai giảm từ 50% ở phụ nữ dưới 30 tuổi xuống còn 10% ở phụ nữ trên 40 tuổi và dưới 1% ở phụ nữ trên 45 tuổi, tính theo tất cả nguyên nhân gây hiếm muộn. Khi người phụ nữ khoảng 45 tuổi, họ chỉ còn ít hơn 5% cơ hội thụ thai và hơn 70% sẩy thai ngay cả khi đã thụ thai thành công với trứng của mình.


Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội từng điều trị thành công cho bệnh nhân 53 tuổi, suy buồng trứng vô sinh thứ phát. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Khả năng sinh sản và chất lượng thai thay đổi theo tuổi của mẹ

- Khó có thai: ngoài 35 chỉ còn 70% phụ nữ sinh sản vì khả năng thụ thai trở nên khó khăn hơn... Dù đã có nhiều liệu pháp hỗ trợ sinh sản nhưng tốn kém, phiền phức và khó thành công trên cơ thể phụ nữ ở độ tuổi này.

- Tăng khả năng sinh đôi: mặc dù ở độ tuổi 30 phụ nữ kém may mắn hơn nhưng lại tăng cơ hội mang song thai.

- Tăng nguy cơ sảy thai: phụ nữ càng lớn tuổi thì càng dễ sẩy thai.

- Mẹ càng nhiều tuổi thì càng tăng nguy cơ con kém phát triển trí tuệ. Lí do là tuổi tác làm cho các nhiễm sắc thể ở trứng không tách biệt tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó, có thể dẫn đến hội chứng Down và nhiều bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa.

Tỷ lệ mẹ 25 tuổi sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250; tỷ lệ mẹ 30 tuổi sinh con bị bệnh là 1/952, trên 35 tuổi có tỷ lệ sinh con bị Down là 1/378, trên 40 tỷ lệ này là 1/106, từ 45 tuổi trở lên tỷ lệ con bị Down là 1/30.

- Tăng biến chứng: những biến chứng tiềm ẩn ở phụ nữ nhiều tuổi mang thai hay sinh đẻ cao hơn phụ nữ trẻ, họ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường, dễ có bệnh lý ở nhau thai (cơ quan cung cấp ôxy và nuôi dưỡng thai), dễ có biến chứng khi chuyển dạ và khi sinh, kể cả dễ bị mổ lấy thai.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên ngừng sinh đẻ sau tuổi 30 nhưng cũng nên chú ý rằng ở bất kể tuổi nào mang thai và sinh đẻ đều có thể gặp biến chứng.


Biểu đồ thể hiện mối tương quan giữa độ tuổi người phụ nữ và khả năng thụ thai.

Với nam giới, tuổi tác có thể ảnh hưởng đến khả năng làm cho người phụ nữ có thai và có thể làm tăng nguy cơ biến chứng. Khi người nam lớn tuổi, chất lượng tinh trùng của họ giảm và tinh trùng có tỷ lệ mảnh vỡ di truyền DNA hoặc hư hại DNA cao hơn. Cũng có mối liên quan giữa tuổi nam giới và tần suất con dị tật bẩm sinh và bất thường di truyền.

Khác với nữ giới, sự suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới diễn ra muộn hơn và không dễ dàng nhận thấy, đồng thời có khuynh hướng chỉ giảm từ từ. Tuy nhiều nam giới vẫn có thể có con vào độ tuổi ngũ tuần, thậm chí là lớn tuổi hơn, nhưng tỷ lệ bị các rối loạn về tinh trùng cũng như các bệnh nam học vẫn tăng lên theo tuổi tác. Đối với các cặp vợ chồng, nếu người chồng trên 45 tuổi thì khoảng thời gian để người vợ có thể thụ thai sẽ cao gấp 5 lần so với những cặp vợ chồng mà người chồng ở độ tuổi 20.

Nam giới trên 40 tuổi có nguy cơ sinh con bất thường di truyền cao hơn, đây cũng là nguyên nhân khiến người phụ nữ dễ bị sẩy thai. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh tự kỷ và tâm thần phân liệt cao hơn ở những đứa trẻ có cha hơn 40 tuổi.

Độ tuổi ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công khi IVF

Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cho biết, việc mang thai, sinh nở dù theo hình thức thụ tinh tự nhiên hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đều phụ thuộc rất lớn vào độ tuổi của cả người bố và mẹ. Bởi số lượng và chất lượng noãn đạt tiêu chuẩn cùng với tinh trùng, là hai yếu tố tạo thành phôi khỏe mạnh, theo sinh lý sẽ giảm theo thời gian, đặc biệt đối với người phụ nữ bước qua tuổi 35.

Đối với người phụ nữ trẻ, chất lượng noãn tốt, dẫn tới số phôi tốt tạo thành càng nhiều, mang tới cơ hội thành công cao hơn và số lượng phôi thu được cũng sẽ nhiều hơn trong một chu kỳ kích thích trứng.

Một báo cáo được nghiên cứu trên gần 200.000 phụ nữ cho thấy cơ hội có con sau 3 chu kỳ làm IVF ở các nhóm tuổi khác nhau là:

Nhóm tuổi Tỷ lệ thành công
Dưới 30 55%
31-35 50%
36-40 34%
Trên 40 10%

Những số liệu này dành cho những phụ nữ sử dụng noãn của chính họ. Nếu một phụ nữ lớn tuổi sử dụng noãn từ một người hiến trẻ hơn, cơ hội có con sẽ cao hơn.


Tỷ lệ thành công khi làm thụ tinh ống nghiệm cao hơn ở nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi.

Thụ tinh trong ống nghiệm có thể giúp những cặp vợ chồng vô sinh có một mái ấm hoàn chỉnh nhưng kỹ thuật này không thể thay thế sự thật rằng khả năng sinh sản của nam giới và nữ giới sẽ bị suy giảm khi họ già đi, dẫn tới tỷ lệ thành công cũng sẽ suy giảm. Vì vậy các chuyên gia tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyến cáo rằng, các cặp vợ chồng nghi ngờ mình vô sinh hiếm muộn, nên đi thăm khám sớm nhất có thể để được tư vấn và sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản kịp thời, để tăng tỷ lệ thành công.

Nguồn VNE