Dạy trẻ cách ứng phó với người lạ Phòng trường hợp trẻ ở nhà một mình, một trong những kỹ năng bố mẹ cần trang bị cho con là làm thế nào để ứng phó với tình huống “chạm mặt” người lạ.
Ảnh minh họa: INT. Làm gì khi người lạ đột nhập? Hiểm nguy đến từ người xa lạ tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi. Để giúp trẻ luôn chủ động và an toàn trong môi trường của chúng, việc dạy cho con cách ứng phó với người lạ là điều quan trọng các bậc cha mẹ rất cần quan tâm. Theo các chuyên gia, có thể trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, đối phó với người lạ đột nhập khi ở nhà một mình từ khi 5 tuổi. Cùng đó, hãy trang bị thêm cho con cách từ chối người lạ muốn vào nhà khi bố mẹ đi vắng. Theo cô Nguyễn Bảo Vân – giáo viên Trường Mầm non Vinschool: Một trong những kỹ năng được các trường mầm non chú trọng trang bị cho học sinh tuổi mẫu giáo lớn là ứng phó người lạ. “Đây là kỹ năng quan trọng, giúp trẻ chủ động và an toàn hơn khi gặp các tình huống ngoài ý muốn. Giáo viên luôn phối hợp với phụ huynh để củng cố kiến thức này cho trẻ bằng các tình huống giả định ngay tại gia đình”, cô Bảo Vân cho hay. Cô Bảo Vân chia sẻ: Bài học này có thể áp dụng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Tình huống đặt ra là: Con ở nhà một mình. Tên trộm trèo qua ban công hay cửa sổ hoặc phá khóa vào được trong nhà thì con sẽ làm gì? Bố mẹ có thể đưa ra 3 đáp án để trẻ lựa chọn (1: Lấy gậy đánh trộm; 2: La hét thật to kêu cứu; 3: Ngoan ngoãn nghe theo lời trộm), sau đó phân tích và giúp trẻ chọn phương án tối ưu. Đáp án 1 (lấy gậy đánh trộm) là một việc làm nguy hiểm và không cân sức vì tên trộm thường khỏe hơn và rất hung hãn. Không nên chọc giận, đánh đuổi mà hãy ngoan ngoãn, hiền lành để có thể chiếm được cảm tình của tên trộm, đồng thời tránh nguy hiểm đến bản thân. Khi trẻ chọn đáp án 2, bố mẹ hãy đặt câu hỏi: Nếu con la hét kêu cứu, tên trộm sẽ làm gì con? Sau đó giải thích: La hét là một trong những việc làm gây nguy hiểm nhất. Kẻ trộm khi đã đột nhập vào nhà, thông thường chỉ ngắm vào tài sản của gia đình. Tuy nhiên, nếu trẻ con trong nhà gây tiếng động lớn như: La hét, ném đồ đạc, kêu cứu hàng xóm thì ngay lập tức chúng sẽ phản xạ là bịt miệng, trói lại, đánh ta bị thương, … Khi trẻ chọn đáp án 3, bố mẹ hãy hỏi con lý do vì sao con chọn cách này? Bố mẹ hãy giải thích: Nếu bắt gặp trộm vào nhà thì dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng cần phải có thái độ hợp tác với chúng. Tính mạng con người là quan trọng nhất, của cải bị mất có thể kiếm lại được. Tóm lại, trường hợp khi trộm đột nhập vào nhà khi ở nhà một mình, bố mẹ nên dạy trẻ trước hết các con bình tĩnh để xem xét chúng định làm gì và ứng xử phù hợp tình huống. Còn trong trường hợp đi đâu về mà thấy trong nhà có người lạ hoặc nhận thấy có sự bất thường, con không nên chạy vào nhà ngay mà hãy báo công an, nhờ hàng xóm giúp đỡ… Trường hợp ban đêm khi tỉnh giấc phát hiện có trộm, tốt nhất nên nằm yên nghe ngóng, quan sát, giả vờ ngủ, không được lên tiếng. Khi con ở nhà một mình gặp tình huống kẻ trộm giả vờ làm người buôn bán, người đưa thư, sửa điện nước, người quen của bố mẹ để lừa vào nhà trộm cắp. Bố mẹ cần dạy trẻ tuân thủ các nguyên tắc: Tuyệt đối không được mở cửa, không nhận đồ ăn thức uống của người lạ đưa cho, bất luận họ lấy cớ thế nào.
Ảnh minh họa: INT. Cảnh giác với mọi người lạ Có con ở lứa tuổi tiểu học, chị Lữ Mai (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Tôi đánh giá cao tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng ứng phó người lạ. Thay vì dạy lý thuyết chung chung, tôi thường dạy con bằng cách tìm hiểu tính cách và phản ứng thông thường của bé. Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc đặt câu hỏi “Con sẽ làm gì?” và nêu các tình huống phát sinh “nếu – thì” để con tự trả lời. Cha mẹ đừng cho rằng những câu hỏi – trả lời giả định là thừa hoặc viển vông. Nguyên tắc cơ bản nhất cần dạy trẻ khi ở nhà một mình là kỹ năng cảnh giác với người lạ để bảo đảm an toàn, tránh những đối tượng có ý đồ xấu. Hãy khóa tất cả các cửa lại. Tuyệt đối không mở cửa cho bất kì ai. Giả vờ gọi thật to, nếu là kẻ xấu sẽ tưởng có bố mẹ ở nhà và bỏ đi ngay. Đồng thời, dạy trẻ không đi ra khỏi nhà với bất kì ai. Trẻ ở nhà một mình có thể mở tivi to tiếng để kẻ xấu tưởng có người lớn ở nhà sẽ không dám gọi cửa. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, mỗi gia đình cần dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân như: Nhớ số điện thoại của cha mẹ; Tuyệt đối không nhận đồ – đi theo – làm theo lời người lạ; Khi người lạ đột nhập, tấn công, hãy ngoan ngoãn hợp tác và ưu tiên bảo đảm an toàn cho bản thân… Tuy nhiên, TS Lâm cũng nhất trí quan điểm, đối với trẻ em, dạy kỹ năng không thể chỉ dùng lý thuyết, cần cho con thực hành bằng các tình huống giả định. Thậm chí, cha mẹ có thể nhờ người “dụ dỗ” con, sau đó đưa ra bài học. Phải biến mọi hoạt động của con thành ý thức, thói quen. Chuyên gia huấn luyện con người Trịnh Trọng Dương (Công ty Giáo dục và Đào tạo True Success) khuyến cáo: Đối với trẻ dưới 8 tuổi, bố mẹ tuyệt đối không nên để con ở nhà một mình. Tốt nhất nên nhờ người trông hộ hoặc cho bé đi cùng. Những trẻ lớn hơn, bố mẹ cũng nên hạn chế tối đa để con một mình hoặc về với con càng sớm càng tốt. Bố mẹ không nên đi ra ngoài trong thời gian quá lâu, bởi bạn không chắc chắn được sẽ không có bất kì vấn đề nào xảy ra với con mình. Hãy thường xuyên gọi điện kiểm tra khi con ở nhà một mình, để chắc chắn bé vẫn an toàn khi không có bố mẹ ở bên. Nguồn https://giaoducthoidai.vn |