Viêm màng bồ đào cấp ở trẻ em: Nhận biết, điều trị và một số lưu ý với cha mẹ Viêm màng bồ đào là một bệnh lý cấp cứu về mắt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó ở trẻ nhỏ chiếm 5 - 10% các trường hợp. Viêm màng bồ đào sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của trẻ nếu như không được thăm khám, theo dõi và chữa trị kịp thời. 1. Tổng quan về bệnh lý viêm màng bồ đào Màng bồ đào là nơi chứa hầu hết các mạch máu của mắt, được cấu tạo gồm: Mống mắt (là phần tạo nên màu mắt); Thể mi (là cơ vòng nhỏ nằm sau mống mắt giúp cho mắt tập trung); Màng mạch (là lớp mô nằm giữa võng mạc và củng mạc, chứa các mạch máu và sắc tố giúp hấp thu ánh sáng thừa) Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt, bệnh có thể tự khỏi và dễ tái phát. Theo thời gian, tình trạng này có thể làm tổn thương hoặc phá hủy cấu trúc mắt và gây mất thị lực. Đây cũng là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ ba ở các nước đã phát triển. Viêm màng bồ đào có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, theo thống kê, tỷ lệ viêm màng bồ đào ở trẻ em chiếm 5 - 10% các trường hợp viêm màng bồ đào. Viêm màng bồ đào có thể xảy ra trong thời gian ngắn (còn được gọi là cấp tính) hoặc lâu dài (mạn tính). Các dạng viêm màng bồ đào nghiêm trọng nhất có nguy cơ tái phát nhiều lần.
Viêm màng bồ đào là một bệnh lý cấp cứu về mắt 2. Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào ở trẻ Nguyên nhân chính xác của viêm màng bồ đào ở trẻ em chưa được xác định. Nhiều nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây viêm màng bồ đào có thể do nhiễm trùng bởi một chấn thương mắt, hoặc có thể do một bệnh tự miễn. Nhưng một số tác giả nghiên cứu cho rằng tình trạng nhiễm khuẩn khởi phát từ trong mắt hoặc lây lan đến mắt có thể do: Virus (bệnh Zona, quai bị hoặc Herpes), do nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn hoặc các bệnh gây viêm ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến mắt. Viêm màng bồ đào có thể hiện hữu một mình hoặc đôi khi là dấu hiệu của những bệnh khác. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc bệnh không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể - đây gọi là tình trạng viêm màng bồ đào tự phát.
Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt 3. Những dấu hiệu nhận biết trẻ viêm màng bồ đào cấp Các triệu chứng viêm màng bồ đào cấp có thể xảy ra đột ngột và trở nên tồi tệ hơn. Triệu chứng dễ nhận thấy là trẻ bị đỏ mắt, đau nhức mắt, nhìn mờ, đôi khi có hiện tượng ruồi bay. Các biểu hiện thực thể là cương tụ kết mạc, cương tụ rìa. Tủa mặt sau giác mạc, có thể phù giác mạc. Phản ứng tiền phòng (Tyndal thủy dịch hoặc mủ tiền phòng). Phản xạ đồng tử chậm (giai đoạn sớm); muộn hơn có xuất tiết ở diện đồng tử, dính bờ đồng tử. Đục dịch kính, soi đáy mắt có thể thấy xuất tiết trên võng mạc, phù gai thị võng mạc. Triệu chứng toàn thân là trẻ có các biểu hiện sốt, đau khớp, có các ổ viêm nhiễm toàn thân khác…viêm màng bồ đào có thể gây ra bệnh lý đục giác mạc, cườm nước, cườm khô hoặc bong võng mạc khiến trẻ có thể bị mù. Hãy để ý đến dấu hiệu như trẻ cố tránh ánh sáng, rất cố gắng để nhìn cũng như để viết hoặc dấu hiệu 2 mắt nhìn lệch hướng. Khi phát hiện những dấu hiệu trên, nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt ngay.
Khi bị viêm màng bồ đào trẻ sẽ có triệu chứng bị đỏ mắt, đau nhức mắt, nhìn mờ, đôi khi có hiện tượng ruồi bay. 4. Chẩn đoán viêm màng bồ đào Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, sau khi khám và đánh giá các bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành kiểm tra thị lực; kiểm tra đáy mắt; kiểm tra nhãn áp, xét nghiệm máu và cũng có thể chụp X-quang. Trẻ có thể cần được khám các bệnh lý liên quan như: Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt… để phát hiện các ổ viêm nhiễm có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm màng bồ đào. Viêm màng bồ đào chỉ có thể được chẩn đoán và điều trị tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Nếu trẻ đang được theo dõi và điều trị một bệnh lý về khớp hoặc một bệnh tự miễn khác, cần cho trẻ đi khám mắt định kỳ hoặc đưa trẻ đi khám mắt ngay khi nghi ngờ hoặc nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường. 5. Điều trị viêm màng bồ đào cấp ở trẻ Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể như: Điều trị nội khoa bằng các loại thuốc chống nhiễm khuẩn: Kháng sinh tại mắt và toàn thân. Cần điều trị sớm, tích cực ngay từ đầu. Phối hợp điều trị chống viêm, chống dính, giảm phù nề. Phối hợp điều trị ngoại khoa khi cần thiết. Bệnh nhân nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị tích cực kịp thời thì sẽ có tiên lượng tốt, bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Nếu đến viện muộn hoặc đã có biến chứng như: Dính bít đồng tử; thoái hóa mống mắt; tăng nhãn áp (có thể thấy dấu hiệu mống mắt vồng múi cà chua do bít đồng tử tiền phòng thường nông). Đục thể thủy tinh, đục dịch kính thì tiên lượng xấu, có thể dẫn đến mù lòa.
Để phòng viêm màng bồ đào, việc điều trị sớm và tích cực các ổ nhiễm khuẩn tại mắt là vô cùng quan trọng. 6. Lời khuyên thầy thuốc Để phòng viêm màng bồ đào thì việc điều trị sớm và tích cực các ổ nhiễm khuẩn tại mắt và toàn thân là vô cùng quan trọng. Khi có dấu hiệu đỏ mắt cần đi khám ngay ở các cơ sở chuyên khoa mắt. Những điều cần làm để giúp trẻ điều trị bệnh viêm màng bồ đào cần được cha mẹ lưu ý. Giúp đỡ hỗ trợ trẻ trong thời gian điều trị, giảm tình trạng chói mắt ở trẻ bằng cách cho trẻ đeo kính che mắt và đội nón rộng vành khi ra ngoài trời. Khi học để giảm chói mắt không nên cho trẻ ngồi đối diện cửa sổ, không để ánh sáng đèn chiếu trực tiếp vào bề mặt của trẻ. Cho trẻ nên nghỉ ngơi sau khi đọc, viết hoặc làm việc với máy vi tính. Trong thời gian điều trị cần giảm số lượng bài tập cho trẻ. Nếu tham gia các hoạt động ngoài trời, chơi thể thao, cần cho trẻ đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt. Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ các thành phần dưỡng chất vitamin, nhất là tăng cường chế độ ăn giầu vitamin và khoáng chất cần thiết. Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh tay sạch sẽ, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn đồ tái sống để không bị nhiễm ấu trùng giun, sán. Nguồn https://suckhoedoisong.vn |