Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng để hệ thống nhà trẻ tư thục đổ vỡ


Sau 2 năm 2020-2021 chống đỡ với dịch Covid, hầu như toàn bộ hệ thống sản xuất và dịch vụ của đất nước bị tê liệt. Một trong số đó là sự đổ vỡ của các trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.

Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM không thể thiếu các trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục

Trước dịch cả nước có 15.914 cơ sở giáo dục mầm non tư thục chiếm tỷ lệ 16%, đảm nhiệm nuôi dạy hơn 1 triệu trẻ. Trong 2 năm dịch, tất cả trường này bị đóng cửa và đến nay chưa trường nào mở lại, riêng TPHCM hy vọng nếu tình hình vùng xanh được duy trì, ngày 14-2 sẽ cho mở lại các trường mẫu giáo, mầm non.

Nhưng không biết có bao nhiêu trường tư thục còn sống sót để có thể mở lại. Theo thông báo mới nhất của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay có hơn 150 trường học, nhà trẻ tư nhân giải thể, cha mẹ của hàng ngàn cháu chưa biết gửi vào đâu, và con số 150 này vẫn chưa dừng lại.

Các trường mẫu giáo tư nhân thường tập trung nhiều nhất ở các khu công nghiệp (KCN) và các chung cư. Các KCN nằm trên địa bàn của một quận, huyện nhưng không thuộc quyền quản lý của địa phương, có nghĩa việc mở các trường công lập từ mẫu giáo đến trung học nằm ngoài “vùng phủ sóng”. Do vậy, các trường mẫu giáo, mầm non ở ngay sát các KCN đều do tư nhân thành lập. Ở các chung cư, nhất là các chung cư cao cấp có nhu cầu gửi con vào các trường có chất lượng cao, nên ở nhiều chung cư cao cấp ở Hà Nội, TPHCM ra đời nhà trẻ mang tên quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu này. 

Người làm chủ các trường mầm non này thường là thầy cô giáo về hưu có kinh nghiệm quản lý giáo dục, nhóm sáng lập có khi là một gia đình, có khi là liên minh nhóm thầy cô giáo cùng vài doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục để thành lập trường. Để thành lập trường mầm non tư nhân, ngoài các thủ tục hành chính rắc rối, họ phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Trường bình thường cũng phải đảm bảo tối thiểu 12m2/cháu, mặt bằng phải có các khu chức năng như phòng học, sân chơi, phòng ăn, phòng ngủ, khu vệ sinh, phòng hiệu bộ, phòng y tế, phòng bảo vệ, nhà bếp, nhà kho, khu để xe… Ngoài ra trường học phải đảm bảo các yêu cầu về ánh sáng, độ ẩm, phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm, vị trí phải cách xa khu sản xuất, cây xăng, kho hóa chất, nhà hàng, quán karaoke, bãi rác; phải cách xa trục đường giao thông nhanh, sông, hồ…

Để đảm bảo an toàn nhất cho các cháu, theo quy định nhà trẻ ít nhất 50 cháu (mới được cấp giấy phép), nhưng thực tế các trường sống bằng tiền học phí nên ít nhất cũng phải trên 100 cháu. Vì thế vốn đầu tư ban đầu rất lớn, hàng tỷ đồng để xây dựng hay cải tạo mặt bằng đi thuê theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng đưa ra dành cho trẻ con. Với các trường ở khu nhà giàu, kinh phí đầu tư “cực khủng” vì phải có hồ bơi, sân chơi với các thiết bị giải trí hiện đại, thư viện nghe nhìn, nhà bếp tự động…

Để thu hút phụ huynh yên tâm gửi con, các trường ngoài đầu tư cơ sở vật chất khang trang, còn phải có đội ngũ thầy cô giáo giỏi, trẻ đẹp, chất lượng cao. Họ phải có bằng cấp, được đào tạo bài bản từ các trường cao đẳng, đại học hệ mầm non. Các trường đẳng cấp còn có cả đội ngũ thầy cô giáo biết tiếng Anh, biết nhạc họa, thể thao và các kỹ năng thời thượng khác. 

Một hệ thống trường như vậy rơi vào tình cảnh không hoạt động trong 2 năm, dù có cố gắng đến đâu cũng rơi vào thảm cảnh. Đó là cơ sở vật chất xuống cấp do không có kinh phí và người chăm sóc. Đối với thầy cô giáo, nhà trường cố gắng lắm cũng hỗ trợ được vài tháng đầu, sau đó buông để các thầy cô chạy tứ tán khắp nơi kiếm sống. Thầy cô nào may lắm được phu huynh thuê đến dạy cho con tại nhà trong những ngày giãn cách. Các trường công thầy cô giáo có lương từ nhà nước, còn trường tư thục do trường tự trả nên “hết hát, hết múa là hết tiền”.  

Nếu để các trường mầm non, mẫu giáo tư thục tan vỡ, hệ quả rất nặng nề. Vì như thế sẽ có hàng trăm ngàn cháu bé không có nơi học, hay phải mất thời gian dài may ra mới tìm được nơi nhận, vì các trường công lập đã đầy theo chỉ tiêu. Cha mẹ nào có ông bà nội ngoại hỗ trợ còn đỡ, hay nhà khá giả thuê người trông, còn cha mẹ là công nhân phải bỏ việc trông con.

Việc để các cháu ở nhà lâu không tiếp xúc với nhóm bạn, với thầy cô giáo là thiệt thòi lớn, nhất là ở lứa tuổi bắt đầu “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nhưng để cho các trường này tái khởi động là thách thức lớn, có thể không vượt qua đối với chủ các trường. Những chủ trường có mặt bằng của mình tương đối đỡ, còn những người đi thuê không cầm cự được, cho dù chủ cho thuê có giảm bớt tiền thuê mặt bằng, cũng phải vài chục triệu mỗi tháng. 

Trong khi đó, muốn mở lại trường phải có trong tay vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để sửa chữa, khôi phục lại cơ sở vật chất, gây dựng lại đội ngũ giáo viên, công nhân viên. Thực tế cho thấy, những tháng qua nhiều trường phải đóng cửa, trả mặt bằng, nhiều trường đang rao bán, thậm chí tặng không cho ai tâm huyết, nhưng xem ra không có lối thoát nếu không có sự ra tay của Nhà nước.

Quan điểm thị trường cho rằng “dám làm dám chịu”, “bơi được thì bơi, không bơi được thì chìm” có thể đúng với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, nhưng không đúng với các hoạt động giáo dục. Bởi giáo dục là tính kế lâu dài cho việc “trăm năm trồng người”, gây dựng được hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo tư nhân như trước dịch phải mất hơn 20 năm, nếu buông tay để tan biến thật là không ổn.  

 Có lẽ Chính phủ cần có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của nhà trẻ, trường mẫu giáo tư nhân, để từ đó có những chính sách hợp lý hơn. Trước mắt cần kiểm định lại thực trạng của các nhà trẻ, mẫu giáo tư nhân ở hai TP lớn là Hà Nội và TPHCM, xem còn bao nhiêu cơ sở có thể tiếp tục hoạt động, cần hỗ trợ gì về hành chính, pháp lý, nhân lực và vốn liếng.

Chính phủ can thiệp để các ngân hàng cho vay với số tiền đủ để trang trải ban đầu với lãi suất bằng không, hay lãi suất thấp dài hạn, bởi khôi phục lại hoạt động đi vào nề nếp và có lãi phải sau 3 năm. Rất nhiều lãnh đạo trưởng, chủ trường, các sáng lập viên đã rơi nước mắt khi buộc phải đóng cửa trường vì đó là tâm huyết của các thầy cô giáo, là tình yêu với lũ trẻ, nhưng biết làm sao “lực bất tòng tâm”. Bằng mọi giá, đừng để hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo tư nhân tan vỡ, bởi hệ lụy không lường hết được. Giải cứu các doanh nghiệp được, sao lại không giải cứu nơi vì tương lai con em chúng ta. 

PGS. Nguyễn Minh Hòa

Nguồn https://www.saigondautu.com.vn