Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vĩnh Phúc: Quê nghèo oằn mình đóng phí trông trẻ


Đại dịch khiến cuộc sống của nhiều người dân thêm vất vả. Đã vậy, một số trường mầm non tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc còn có dấu hiệu lạm thu khiến phụ huynh thêm phần cực nhọc. 

Tiết mục biểu diễn văn nghệ Trường Mầm non Phương Khoan. Ảnh tư liệu của Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô

Phụ huynh bức xúc

Tiền trông ngoài giờ (thứ 7, Chủ nhật, trông trẻ trong hè, đón sớm, trả muộn, trông trưa bán trú) là khoản kinh phí phụ huynh phải đóng cho nhà trường.

Tại Vĩnh Phúc, kinh phí này đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 11/2021 với khung giá từ 3.000 - 5.000 đồng/trẻ/giờ. Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương, Phòng GD&ĐT sẽ thống nhất mức thu với các nhà trường trong huyện.

Ở những năm học trước, tiền trông trưa bán trú đối với trẻ mầm non của Vĩnh Phúc dao động quanh mức 100 - 150 nghìn đồng/trẻ/tháng. Sau khi có Nghị quyết 11, tiền trông trưa của trẻ đã được nâng lên.

Mức phí trông trưa cao nhất áp dụng tại các thành phố của tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế cao có thể lên tới hơn 250 nghìn đồng/trẻ/tháng. Ở những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, mức thu sẽ thấp hơn và được hướng dẫn cụ thể bởi Phòng GD&ĐT.

Sông Lô là huyện có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên, thời gian qua, nhiều phụ huynh có trẻ ở độ tuổi mầm non đã than phiền về dấu hiệu lạm thu của một số trường trên địa bàn.

Theo phản ánh của phụ huynh, là huyện nghèo nhưng đầu năm học này họ phải đóng khoản phí trông trưa lên đến 200 nghìn đồng/trẻ/tháng. Trong khi, huyện giáp ranh là Lập Thạch, hay các huyện có điều kiện kinh tế tốt hơn như Yên Lạc, Bình Xuyên lại chỉ thu dao động quanh mức 170 - 180 nghìn đồng/trẻ/tháng.

Chị K. có con đang học tại Trường Mầm non Bạch Lưu (một trong những xã xa xôi nhất của tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của người dân quá vất vả. Thế nhưng, đầu năm học giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản đóng góp lên tới hơn 4 triệu đồng/cháu/năm học.

Số tiền này chưa tính tiền ăn hàng tháng của trẻ. Điều mà chị và nhiều phụ huynh bức xúc là tại sao các huyện khác có kinh tế phát triển hơn mà họ lại thu tiền trông trưa của trẻ thấp hơn so với huyện nghèo Sông Lô?

Tại Văn bản số 1068 ngày 20/10/2021 của Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô về việc hướng dẫn bổ sung các khoản thu ngoài ngân sách năm học 2021 - 2022, thì phòng này đã thống nhất mức thu tiền trông trẻ ngoài giờ (khối mầm non và tiểu học) là 3 nghìn đồng/học sinh/giờ.

Nếu chiếu theo văn bản này, với thời gian trông trẻ ngoài giờ là 2 - 2,5 tiếng (với trẻ mầm non) và bình quân 21 - 22 ngày/tháng thì tiền trông trưa dao động quanh mức 165 nghìn đồng/học sinh/tháng. Không hiểu các trường căn cứ vào văn bản nào để ra thông báo thu số tiền 200 nghìn đồng/trẻ/tháng.

Sự lấp liếm của hiệu trưởng?

Trước phản ánh của phụ huynh học sinh, Báo GD&TĐ đã liên hệ với Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô và hiệu trưởng một số trường mầm non để làm rõ vấn đề.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin tại phòng GD&ĐT và liên hệ với một số trường mầm non trên địa bàn như Phương Khoan, Tam Sơn, Bạch Lưu… thì các nhà trường đều có câu trả lời giống nhau là: Nhà trường đang chờ phòng duyệt phương án thu chi tài chính, hiện nhà trường chưa thu khoản tiền trông trưa của trẻ.

Thậm chí đến Trưởng phòng GD&ĐT Sông Lô Trần Thái Mai cũng không biết về việc nhà trường thu tiền trông trưa của trẻ với mức 200 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Theo phản ánh, tại Trường Mầm non Phương Khoan, phụ huynh đã nộp tiền cho giáo viên chủ nhiệm trong đó có cả tiền trông trưa của trẻ. Thế nhưng khi trả lời Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Hiền Hanh - Hiệu trưởng trường này - lại cho biết, nhà trường chưa được duyệt các khoản thu chi của năm học.

Bà Hanh còn cho biết thêm, nếu phụ huynh phản ánh đã nộp tiền thì các anh cứ tìm hiểu ở phụ huynh còn thủ quỹ nhà trường chưa thu khoản tiền trông trưa này.

Tại Trường Mầm non Quang Yên, phụ huynh tên L. cũng cho biết, sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, hầu hết phụ huynh đã đóng các khoản tiền theo thông báo của giáo viên chủ nhiệm, trong đó có cả tiền trông trưa là 200 nghìn đồng/tháng. Trước khi đóng tiền, giáo viên chủ nhiệm gửi cả bảng kê và thời gian đóng ghi trong văn bản.

Thông tin về việc đã nộp tiền cho nhà trường, phụ huynh tại Trường Mầm non Bạch Lưu quả quyết, khoảng 3 tuần sau khi bắt đầu năm học mới, phụ huynh được họp và thông báo các khoản tiền phải đóng trong năm.

Phụ huynh này đã nộp cho cô giáo chủ nhiệm và được ký vào sổ ghi chép của giáo viên này đưa. Ở Trường Mầm non Bạch Lưu, lớp càng nhỏ tuổi thì số tiền đóng càng cao.

Lý giải cho việc phụ huynh đã đóng tiền trông trưa cao hơn quy định nhưng nhà trường nói chưa triển khai thu, bà Hà Thị Kim - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bạch Lưu - cho biết: Nhà trường chưa được duyệt phương án thu chi tài chính nên chưa thu tiền trực trưa của trẻ. Nếu nói nhà trường thu thì phải do thủ quỹ thu chứ giáo viên không được phép thu. Còn đây, chắc do một số phụ huynh tự nhờ cô giáo thu hộ…

Mặc dù phủ nhận việc nhà trường đã thu tiền và chuyển trách nhiệm cho giáo viên nhưng khi phóng viên đưa ra bản chụp các khoản thu của nhà trường, trong đó có tiền trông trưa của trẻ là 200 nghìn đồng/trẻ/tháng thì bà Kim thừa nhận văn bản in các khoản thu này đúng của nhà trường.

“Thời gian trước nhà trường phải nghỉ vì dịch Covid-19, cơ sở vật chất của nhà trường cũng được lấy làm khu cách ly. Tới đây, sau khi có phê duyệt phương án tài chính của Phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ rà soát lại khoản thu này, nếu cao hơn quy định thì nhà trường sẽ thông báo và trả lại tiền cho phụ huynh” – bà Kim cho biết thêm.

Từ cách trả lời của Hiệu trưởng Trường Mầm non Bạch Lưu cùng thông tin phản ánh của phụ huynh, có thể thấy, việc thu tiền trông trưa của trẻ cao hơn quy định tại huyện Sông Lô là có thật.

Việc đổ lỗi cho giáo viên chủ nhiệm tự ý thu liệu có hợp lý? Nếu có việc giáo viên tự làm trái quy định thu chi thì cần xem xét xử lý kỉ luật. Khi đó, không biết sẽ có bao nhiêu giáo viên tại huyện Sông Lô bị kỉ luật về việc này?

Bên cạnh việc thu tiền trông trưa cao hơn quy định, một số khoản thu giữa các trường mầm non tại Sông Lô lại có sự chênh lệch khiến phụ huynh băn khoăn cho rằng nhà trường đang lạm thu.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn