Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các nguyên tắc mẹ cần nhớ khi con bắt đầu ăn dặm


Cho bé ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều.

Ban đầu mẹ nấu bột thật lỏng, chỉ đặc hơn sữa một chút để bé đỡ bỡ ngỡ và sợ ăn, khi bé quen mới làm bột đặc dần lên. Thức ăn giai đoạn đầu tập ăn nên mịn, không gợn, tránh cho bé bị hóc. Lúc mới tập ăn, nếu bé ăn đã hết khẩu phần thì mẹ cũng đừng cho bé ăn thêm, để phòng bé bị rối loạn tiêu hóa.

Khi việc tập ăn dặm của bé đã dần hoàn thiện, miệng và lưỡi có thể đẩy và nuốt thức ăn một cách dễ dàng, không gặp các vấn đề về tiêu hóa thì mẹ nên cho bé làm quen dần với nhiều loại thực phẩm và thức ăn cũng phải đặc dần lên, rồi chuyển sang cháo (Khi bé đựợc từ 8 đến 10 tháng) để đảm bảo chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Khi bé càng lớn, sự tiêu hao năng lượng cho việc vận động càng nhiều, đồng thời chất và lượng sữa mẹ cũng giảm dần, không còn là nguồn dinh dưỡng chính hằng ngày của bé nữa.

Cho bé ăn một món trong 3 đến 5 ngày để xem bé có hợp với loại thức ăn đó không, có bị rối loạn tiêu hóa hay dị ứng không, sau đó mới chuyển sang món mới. Không nên cho bé ăn đồng thời hai loại thực phẩm mới, không nên cho hỗn hợp các loại thức ăn cùng lúc và cùng ngày sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé không đáp ứng được dần dần đầy bụng khó tiêu, chán ăn.

Cân đối 4 nhóm thực phẩm, gồm: bột đường (gạo, bột mì, mì, bún, ngô, khoai...), đạm (thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu nành...), chất béo (dầu, mỡ, bơ, các loại hạt có dầu...), vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây). Việc mẹ quá thiên về một nhóm thực phẩm nào đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của bé.

Đa dạng thực phẩm, đổi món cho bé thường xuyên để bé ngon miệng và quen dần với các lọai thức ăn khác nhau.

BS. Lê Thị Hải nguyên GĐTT Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Nguồn: http://mattroibetho.vn