Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục, chăm sóc trẻ mầm non tại Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng dịch bệnh


Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ mầm non nhiều địa phương tạm dừng đến trường. Hiện ngành Giáo dục, nhà trường đang tập trung hỗ trợ phụ huynh chăm sóc trẻ; chuẩn bị các điều kiện đón trẻ trở lại trường. 

 

Cán bộ, giáo viên ở TP Cần Thơ vệ sinh trường lớp phòng chống dịch Covid-19.

Đồng hành cùng phụ huynh, chuẩn bị kỹ phương án trở lại trường

Đã hơn 8 tháng trẻ mầm non ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tạm dừng đến trường do dịch Covid-19.

Nghỉ học dài ngày, trẻ mầm non chịu nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và sự phát triển toàn diện. Trẻ nghỉ học, phụ huynh không thể tham gia lao động, sản xuất vì phải dành thời gian chăm sóc con em tại nhà.

Hai vợ chồng làm công chức, có con đang học lớp Lá, chị Mai Thị Hường, ngụ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) gặp nhiều khó khăn khi phải vừa trông con, vừa làm việc cơ quan. Chị Hường cho biết: “Thời gian giãn cách xã hội, vợ chồng có thể ở nhà thay nhau vừa chăm con, vừa làm việc cơ quan. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay hai vợ chồng phải chở con theo đi làm. Những khi con bị bệnh thì xin nghỉ phép để chăm sóc. Con còn nhỏ, tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn phải theo cha mẹ đi làm. Lo nhất là việc ăn uống, nghỉ ngơi của con bị xáo trộn. Năm tới vào lớp 1, giờ con không thể đến trường nên tâm lý, kiến thức, sức khỏe… ít nhiều bị ảnh hưởng”.

Tại Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Cần Thơ vừa được tổ chức, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thành phố mới tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em độ tuổi từ 12 đến 17. Đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục đã tiêm vắc xin mũi 2 hơn 95%. Trên cơ sở đó, thành phố đã có kế hoạch dự kiến cho trẻ đến trường học trực tiếp vào đầu năm 2022.

Trước khi cho trẻ đến trường, các trường sẽ tổng vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng theo đúng hướng dẫn ngành Y tế. Trường chia thành khu vực nhận trẻ, không để cha mẹ vào trường. Tiến hành sát khuẩn cho trẻ trước khi vào lớp, hướng dẫn trẻ đảm bảo quy tắc an toàn khi vui chơi, học tập tại trường. Nếu trẻ có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 thì sẽ có giải pháp xử lý kịp thời.

Tùy vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, nếu đến đầu năm 2022 thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh sẽ sớm triển khai, hoặc xem xét lại kế hoạch nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp, để nhằm đảm bảo trẻ đến lớp phải an toàn.

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đối với bậc mầm non, Sở cùng các Phòng GD&ĐT hướng dẫn cho các cơ sở chia sẻ các video clip hướng dẫn cho cha mẹ thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở nhà.

Nhà trường phối hợp thường xuyên với phụ huynh bằng hình thức trao đổi qua Zalo, Facebook, điện thoại nhằm kịp thời hỗ trợ gia đình, phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đồng thời tuyên truyền về dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà…

 

Phụ huynh dạy con tại nhà dưới sự hỗ trợ của giáo viên.

Tổ chức dạy, học thích ứng dịch bệnh

Theo cô Trương Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thạnh 1 (huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ), từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, trẻ tạm dừng đến trường. Thế nhưng giáo viên vẫn phối hợp phụ huynh giúp trẻ học tập, vui chơi qua truyền hình, qua các video thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; Hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho các cháu sử dụng để đến trường khi dịch bệnh được kiểm soát...

Tạm dừng học tập nhưng cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Trung Thạnh 1 vẫn tiếp tục các công tác chuyên môn, duy trì, phát huy công tác tạo môi trường sư phạm… Dù không đón trẻ từ đầu năm học đến nay nhưng nhà trường vẫn “xanh - sạch - đẹp” với khuôn viên xanh mát, khu vui chơi dân gian, khu vận động phát triển thể chất…

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, đối với cấp học mầm non, Phòng chuyên môn trực thuộc Sở đã chuyển các tài liệu, video “Cẩm nang hướng dẫn phụ huynh về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ khi trẻ ở nhà”.

Các video tuyên truyền về hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện biện pháp 5K, hướng dẫn trẻ mang khẩu trang đúng cách, xếp quần áo, các kĩ năng tự phục vụ bản thân, vệ sinh cá nhân, hướng dẫn 6 bước rửa tay, pha nước cam, làm kính chống giọt bắn, hướng dẫn trẻ khi ăn...

Ngoài ra có các video tuyên truyền các hoạt động giáo dục làm quen chữ cái, tìm số tương ứng, các con vật, kể chuyện cùng con, vận động các bài hát, cùng các hoạt động trải nghiệm như thí nghiệm hoa nở trong nước, vật chìm vật nổi, pha màu, chơi với cát, sỏi, lá cây, hướng dẫn phụ huynh chơi cùng trẻ tại nhà, hướng dẫn phụ huynh tổ chức các trò chơi dân gian...

Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các trường mẫu giáo, mầm non tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển tải đến phụ huynh các hình thức giáo dục online phù hợp (qua zalo, facebook, youtube, video clip, viber...); Thường xuyên trao đổi, nắm thông tin, phối hợp với phụ huynh. Qua đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa nhà trường và gia đình trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thường Thới Tiền, (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: “Thông qua các ứng dụng công nghệ và trực tuyến, nhà trường đã huy động được hơn 165 trẻ theo độ tuổi (mầm, chồi, lá), tạo thành các nhóm lớp.

Mỗi giáo viên sẽ quay clip theo các nội dung hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT để chuyển đến phụ huynh. Mỗi khối lớp có 7 - 8 giáo viên tham gia, từ việc chọn nội dung bài giảng đến thực hiện các video. Cách làm trên rất được phụ huynh ủng hộ, an tâm trong thời gian trẻ ở nhà chưa đến trường.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, tỷ lệ trường mẫu giáo, mầm non tham gia hình thức giáo dục trực tuyến đạt 99,46% (gồm trường công lập, ngoài công lập), với tổng số 1.970 lớp (gồm nhà trẻ, mẫu giáo). Hơn 3.291 giáo viên tham gia, đạt 94,14%.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn