Quảng Nam: Sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục mầm non Đồng hành cùng VVOB (Tổ chức phi chính phủ của Bỉ) trong dự án BAMI, giáo dục mầm non tỉnh Quảng Nam những năm vừa qua có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng trường học không định kiến giới.
Không gian bên trong và bên ngoài lớp học được thay đổi để không mang định kiến giới Theo đó tập trung vào việc tập huấn và khuyến khích giáo viên mầm non áp dụng các phương pháp giáo dục có đáp ứng giới trong lớp học, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, hiện đang là một nghị sự quan trọng trên toàn cầu. Trong 5 năm qua tại Việt Nam, VVOB đã cùng với ba tỉnh miền núi gồm Quảng Nam, Quãng Ngãi và KonTum thực hiện dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (Dự án BAMI), theo đó góp phần thúc đẩy áp dụng các phương pháp giáo dục có đáp ứng giới trong lớp học. Tại Quảng Nam, ngành giáo dục mầm non thời gian qua đã triển khai đồng thời nhiều sáng kiến của các giáo viên tại các điểm trường mầm non trên địa bàn, đặc biệt tại những vùng sâu – vùng xa – vùng dân tộc thiểu số. Trong số những sáng kiến đã và đang được triển khai tại địa phương, sáng kiến “trường học có đáp ứng giới” tại trường mẫu giáo Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là một điểm sáng với mục tiêu hướng đến xây dựng trường học không định kiến giới cho trẻ. Từng bước xây dựng trường học có đáp ứng giới Cô Thúy Hạnh – hiệu trưởng trường mẫu giáo Tiên Cảnh chia sẻ về quá trình triển khai sáng kiến tại đơn vị mình quản lý: “Bắt đầu từ những ý tưởng thiết thực nhất là tạo ra không gian học tập và vui chơi có đáp ứng giới cho trẻ, giáo viên chúng tôi đã thay đổi các trang trí trong và ngoài lớp học sao cho không mang định kiến giới: góc xây dựng có cả hình ảnh cô công nhân và chú công nhân, góc âm nhạc có hình ảnh bé gái chơi đàn, góc sắm vai cũng có hình ảnh bé trai và bé gái cùng chơi… Màu sắc trang trí lớp học cũng được thay đổi thành các màu trung tính phù hợp cho cả trẻ trai và trẻ gái. Các khu vực bên ngoài lớp học được trang trí lại với hình ảnh bé trai và bé gái xuất hiện trong nhiều vai trò như nhau để giúp trẻ và cha mẹ không có cảm giác phân biệt đối xử theo giới tính của trẻ.” Không chỉ dừng lại ở đấy, các giáo viên tại trường mẫu giáo Tiên Cảnh còn thay đổi và linh hoạt trong một số nội dung giảng dạy có sử dụng học liệu liên quan đến định kiến giới. Đặc biệt là các bài thơ, bài hát, bài vè hay các tài liệu về mầm non có khuôn mẫu hoặc định kiến giới sẽ được các cô đặt các câu hỏi gợi mở để trẻ hiểu, hoặc linh hoạt xử lý tình huống nhẹ nhàng, lựa chọn nội dung phù hợp để không áp đặt khuôn mẫu giới cho trẻ. Hoạt động truyền thông cho cha mẹ trẻ về bình đẳng giới Cô Xuân Anh – giáo viên trường mẫu giáo Tiên Cảnh chia sẻ: “Xây dựng trường học có đáp ứng giới” không thể thiếu sự tham gia của cha mẹ trẻ. Các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới được nhà trường và các giáo viên thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau như góc tuyên truyền tại lớp học, trao đổi trực tiếp tại các buổi họp phụ huynh, ngày lễ, trong giờ đưa đón trẻ hoặc vận động cha mẹ học sinh tham gia vào các hoạt động chung của nhà trường (dọn dẹp vệ sinh, làm đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ, …) để cha mẹ các em có sự thấu hiểu và cùng tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ có quyền bình đẳng trong học tập và vui chơi, không bị phân biệt, đối xử hay ràng buộc bởi khuôn mẫu giới tại gia đình.”
Một buổi tập huấn chuyên đề dành cho giáo viên của trường về dạy học có đáp ứng giới Bên cạnh các hoạt động hướng đến trẻ, các nội dung về bình đẳng giới còn được lồng ghép trong tất cả các hoạt động dành cho giáo viên tại trường mầm non Tiên Cảnh như khai vấn, tập huấn và các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề trong nhà trường, các buổi giao ban chuyên môn cấp huyện cho giáo viên và cán bộ quản lý. Nhờ những hoạt động này mà sáng kiến “xây dựng trường học có đáp ứng giới” ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn. Những kết quả bước đầu tích cực Sau hơn một thời gian triển khai, sáng kiến “xây dựng trường học có đáp ứng giới” tại trường mầm non Tiên Cảnh đã đạt được nhiều kết quả bước đầu vô cùng tích cực. Đa số giáo viên đã biết cách lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi có đáp ứng giới vào các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của trẻ. Nhờ vậy, trẻ được phát huy tối đa tư duy sáng tạo và sở thích của mình. Trẻ ít có sự phận biệt bạn trai, bạn gái trong các hoạt động học tập như trước đây; không bị gò bó, áp đặt bởi khuôn mẫu giới, định kiến giới nên trẻ được tham gia các hoạt động học tập và vui chơi một cách thoải mái, tích cực. Cha mẹ trẻ cũng không còn có ý kiến phản đối như ban đầu, mà ngược lại, tích cực tham gia vào việc hỗ trợ giáo viên, nhà trường trong các hoạt động học tập vui chơi của trẻ, góp phần tạo nên môi trường sống xung quanh trẻ có đáp ứng giới. Được triển khai đồng thời ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, các sáng kiến hướng đến xây dựng trường học có đáp ứng giới thuộc khuôn khổ dự án BAMI đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc nuôi dạy và giáo dục trẻ. Nhân rộng mô hình này tại nhiều hơn nữa các trường mầm non trên cả nước chính là giúp cho càng nhiều trẻ em được tiếp cận giáo dục bình đẳng và có chất lượng. Xem thêm thông tin về dự án BAMI và các dự án khác của VVOB Việt Nam tại: https://vietnam.vvob.org/vi Tên nhân vật và tên trường trong bài báo đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật. Nguồn https://giaoducthoidai.vn |