Vì sao trẻ thiếu vi chất dù cân nặng, chiều cao phát triển? Ngoại hình thế nào thì thiếu vi chất dinh dưỡng, vì sao nhiều trẻ có chiều cao, cân nặng phát triển nhưng bị thiếu vi chất? (Hoàng Lan). Trả lời: Thiếu vi chất dinh dưỡng là "nạn đói" tiềm ẩn, chúng ta không thể quan sát, kết luận qua dấu hiệu nhận thấy bên ngoài. Những dấu hiệu bên ngoài nhìn thấy như trẻ mệt mỏi, kém chơi đùa, mọc răng hơi chậm, tóc hơi hoe... có thể nhầm lẫn với một bệnh nào đó. Nguyên nhân khiến trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng rất vô tình, có thể nhiều bậc phụ huynh không để ý. Cụ thể, gia đình cung cấp qua chế độ ăn hằng ngày cho bé không đủ. Cha mẹ ít quan tâm đến việc trẻ không ăn rau, người lớn cần xây dựng thói quen để trẻ ăn rau. Ngoài ra, phụ huynh thường quan tâm đến việc bé ăn về mặt số lượng, ít để ý về chất lượng như trong bữa ăn có bao nhiêu rau xanh, đủ chất béo, đạm không?... Chế độ ăn không đa dạng dễ dẫn đến thiếu vi chất. Không chỉ ở trẻ em, người lớn cũng dễ thiếu vi chất dinh dưỡng. Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu của trẻ tăng cao trong giai đoạn đặc biệt. Cụ thể, giai đoạn dậy thì, tiền dậy thì, trẻ cao nhanh, có thể đạt ngưỡng 10-12 cm mỗi năm. Nếu không để ý, cung cấp các chất dinh dưỡng liên quan đến vitamin và khoáng chất thì các em không đảm bảo tăng trưởng tốt. Trong những năm tháng đầu đời, chúng ta tin rằng, trẻ bú sữa mẹ thì không thiếu chất. Thực tế, sữa mẹ có thể đủ dinh dưỡng để bé tăng cân tốt, thậm chí có trẻ béo phì. Tuy nhiên, đó là đủ về năng lượng, không đủ về mặt vi chất. Phụ huynh có thể chiêm nghiệm trên những người con mình đã sinh ra. Khi nuôi con ở tháng 1 -2, bé ngoan, việc chăm sóc dễ dàng. Đến tháng thứ 3, người lớn có thể thấy con khó ngủ, trằn trọc, da hơi xanh. Lúc này, việc thiếu vi chất dinh dưỡng dễ xảy ra, nhất là thiếu sắt. Sữa mẹ giúp bạn nuôi con thuận lợi trong 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, yếu tố hạn chế nhất ở trong các loại sữa, ngay cả sữa mẹ đó chính là sắt. Vì vậy, các bậc phụ huynh nuôi con, dù bé phát triển tốt thì từ tháng thứ 3 nên cho con đi khám để kiểm tra vi chất dinh dưỡng, kẽm. Thực tế, có trường hợp em bé 16 ngày tuổi, sau thăm khám, các bác sĩ phát hiện ra thiếu kẽm, sắt. Bé sinh ra nặng 3,3 kg, 16 ngày nặng 4,1 kg. Trong thời gian 16 ngày tăng 8 lạng là con số không nhỏ. Nguyên nhân thứ 3 khiến trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng là ăn đủ nhưng mắc bệnh lý, không hấp thu được. Ví dụ như trẻ mắc tan máu bẩm sinh thường thừa sắt, thậm chí phải lọc sắt nhưng các em vẫn thiếu máu. Các bệnh lý về đường tiêu hóa khiến trẻ không hấp thu được các vitamin, khoáng chất. Nguồn VNE
|