F0 trẻ em nhập viện ở Sài Gòn tăng Các bệnh viện nhi gần đây ghi nhận số F0 trẻ em nhập viện tăng, trong bối cảnh TP HCM xuất hiện cả nghìn ca nhiễm Covid-19 cộng đồng mỗi ngày, song hầu hết không nghiêm trọng. Theo Sở Y tế TP HCM, các bệnh viện đang điều trị khoảng 500 F0 trẻ em, chưa có số liệu báo cáo trẻ điều trị tại nhà. Bác sĩ Đỗ Châu Việt (Trưởng Khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết nơi này đang điều trị khoảng 110 trẻ mắc Covid-19, tăng gấp hơn hai lần hồi tháng 10. Hiện, khoảng 20 ca trong khu vực cấp cứu, hồi sức. "Trẻ mắc Covid-19 hầu hết không nghiêm trọng như người lớn, chỉ một số trường hợp dư cân, béo phì, bệnh nền sẽ diễn tiến không thuận lợi, dễ trở nặng hơn", bác sĩ Việt nói. Theo bác sĩ Việt, nguyên nhân F0 nhập viện tăng do dịch lây lan trong cộng đồng, người nhà mắc bệnh nhiều thì trẻ cũng có nguy cơ dương tính. Ngoài ra, một số trẻ F0 nặng ở các tỉnh được chuyển đến thành phố, hoặc gia đình tự đưa bé đến khám, sàng lọc phát hiện Covid-19. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - một cơ sở tuyến cuối khác chịu trách nhiệm chính trong điều trị trẻ mắc Covid-19 - F0 nằm viện cũng tăng từ khoảng 80 (cuối tháng 10, đầu tháng 11) lên 120 ca. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc bệnh viện), con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm (gần 500 ca hồi tháng 8), song xu hướng tăng dần trở lại. Đa số trẻ đến khám có triệu chứng ho sốt, được xét nghiệm sàng lọc phát hiện dương tính. Một số trẻ vào viện thực hiện các tiểu phẫu, phẫu thuật, xét nghiệm trước mổ... tình cờ phát hiện Covid-19. "F0 trẻ em tăng nhưng ở mức độ kiểm soát được, chủ yếu là không triệu chứng, nhẹ, có thể điều trị tại nhà", bác sĩ Tiến nói. Gần đây, mỗi ngày bệnh viện sàng lọc phát hiện khoảng 10-20 F0, chủ yếu cho về nhà tự cách ly, thông báo với y tế địa phương. Người nhà có thể liên lạc qua đường dây nóng bệnh viện có bác sĩ trực tư vấn để đảm bảo trẻ được chăm sóc thuận lợi, kịp thời nhập viện khi có dấu hiệu nặng. Trong số trẻ đang điều trị tai Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, có 12 ca nặng, chủ yếu có bệnh nền, béo phì. Một trường hợp vừa cai ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể - phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do Covid-19) là thiếu niên 15 tuổi, nặng 110 kg, phổi tổn thương nghiêm trọng. Theo bác sĩ Tiến, hiện nay đa số người lớn đã được chích ngừa, khi mắc bệnh thường không triệu chứng, do đó không xét nghiệm để biết bệnh nên vô tình lây cho bé. Ngoài ra, các nghiên cứu ghi nhận F0 trẻ em chiếm khoảng 10% so với người lớn, đa số nhẹ, dẫn đến tình trạng trẻ cũng không biết bệnh, chơi chung với nhau dễ làm lây nhiễm. Thiếu niên 15 tuổi mắc Covid-19 trên cơ địa béo phì, được chuyển từ Khoa Nhiễm sang khoa Hồi Sức Tích Cực, sau khi hắn đã đào thải hẳn virus SARS-CoV2.. Tại bệnh viện, trẻ mắc Covid-19 được theo dõi, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, gồm điều trị triệu chứng và các hình thức hỗ trợ khi cần thiết, phù hợp với tình trạng bệnh của từng trẻ. Trẻ viêm phổi, suy hô hấp được trợ giúp thở bằng các hình thức thở oxy, thở không xâm lấn, thở máy, ECMO. "Từ kinh nghiệm trong đợt cao điểm dịch, có thể thấy trẻ nhẹ điều trị tại nhà được chăm sóc, ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tinh thần, tâm lý thoải mái hơn nên phục hồi nhanh hơn", bác sĩ Tiến nói. Các bác sĩ dự báo khi trẻ trở lại trường, ở một số khối lớp theo kế hoạch của TP HCM, trong thời gian tới, số ca nhiễm có thể tăng. Tuy nhiên, đi học trực tiếp sẽ giúp giải tỏa vấn đề tâm lý sau thời gian dài cách ly xã hội, trẻ được quay trở lại hoạt động như trước trong giai đoạn bình thường mới, phụ huynh không nên quá lo lắng. Bác sĩ Việt khuyến cáo phụ huynh cần bình tĩnh khi phát hiện trẻ mắc bệnh, vì số bệnh nặng không đáng kể, ngành y tế đã có đủ phương tiện, thuốc men để điều trị hồi sức bệnh nhi. Riêng nhóm trẻ có nguy cơ, phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu bệnh, xử trí kịp thời nếu chẳng may chuyển nặng. Trẻ trong độ tuổi được chích vaccine ngừa Covid-19, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng. Phụ huynh giúp trẻ hình thành thói quen để tránh nguy cơ nhiễm bệnh trong giai đoạn thích ứng mới. Trong đó, chú trọng nguyên tắc 5K, dạy trẻ đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn, không tập trung đông người, vứt khẩu trang đúng nơi quy định, khai báo y tế rõ ràng, khi thấy trẻ có dấu hiệu bệnh không nên cho đi học. Chuẩn bị khẩu trang dự phòng trong cặp của trẻ, trang bị bình uống nước riêng, khuyên không dùng chung các vật dụng cá nhân để tránh nguy cơ lây lan. "Gia đình cân nhắc tự test nhanh sàng lọc định kỳ, chẳng hạn người đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên test hàng tuần, để từ đó biết nhiễm virus hay không để có biện pháp cách ly phù hợp, tránh nguy cơ lây lan cho trẻ", bác sĩ Tiến nói. Thành phố chủ trương cách ly tại nhà F0 từ một tuổi trở lên nếu đáp ứng các điều kiện như không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, không có bệnh nền, không béo phì... Riêng trẻ dưới 12 tháng, trẻ suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính, béo phì có nguy cơ cần được nhập viện theo dõi sát vì dễ có nguy cơ trở nặng. Nguồn VNE |