Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Hà Lan hạnh phúc nhất thế giới, phụ huynh đã có cách giáo dục ra sao mà tạo ra khoảng cách khác biệt?


Các chuyên gia đã phân tích những lý do khiến cho trẻ em Hà Lan hạnh phúc nhất thế giới, trong đó phần lớn đều liên quan đến cách giáo dục con và những suy nghĩ khác biệt từ các vị phụ huynh.

Một báo cáo của UNICEF được công bố vào năm 2020 cho thấy trẻ em Hà Lan là những đứa trẻ hạnh phúc cao nhất. Cơ quan trẻ em của Liên hợp quốc đã phân tích dữ liệu của 41 quốc gia có thu nhập cao, xếp hạng các quốc gia theo điểm số về tình trạng tinh thần, sức khỏe thể chất, sự phát triển của trẻ em về các kỹ năng xã hội và học tập.

Hà Lan là quốc gia được xếp hạng cao nhất trong bảng xếp hạng, tiếp theo lần lượt là Đan Mạch và Na Uy. Trong khi đó, Chile, Bulgaria và Mỹ xếp cuối bảng.

 

Các chuyên gia đã phân tích những lý do khiến cho trẻ em Hà Lan hạnh phúc nhất thế giới, trong đó phần lớn đều liên quan đến cách giáo dục con và những suy nghĩ khác biệt từ các vị phụ huynh.

Anita Cleare, tác giả của "Hướng dẫn sống còn của cha mẹ đi làm", nói rằng điều quan trọng là phải hiểu vai trò của các yếu tố kinh tế xã hội trong việc ảnh hưởng đến hạnh phúc của trẻ em. Cô giải thích rằng nếu một đứa trẻ được đáp ứng một số nhu cầu nhất định, có nhiều khả năng ở một quốc gia giàu có, thì cơ hội đạt được hạnh phúc của trẻ sẽ cao hơn.

Cleare khẳng định cách nuôi dạy con cái quyết đoán, đặt ra ranh giới rõ ràng với nhiều tình yêu thương và sự ấm áp… đã liên tục được chứng minh có sự tương quan với sự phát triển tích cực và mức độ hạnh phúc của trẻ em.

 

Ngoài ra, Cleare cho biết, sự xấu hổ có thể gây ra tổn hại to lớn đối với trẻ em nhưng người Hà Lan có tư duy cởi mở khi nói về các chủ đề có thể được coi là nhạy cảm, cấm kỵ đối với hầu hết các quốc gia khác.

Người Hà Lan cũng đặc biệt nổi tiếng vì họ đánh giá cao sự đa dạng và hòa nhập. Cách tiếp cận này đối với việc giáo dục con cái là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh trẻ em ngày nay gặp nhiều áp lực từ học tập, xã hội và các phương tiện truyền thông xã hội.

"Vì vậy tôi nghĩ rằng, trẻ em được lớn lên trong một nền văn hóa nơi mọi người đều tôn vinh sự độc đáo của mỗi người, và trẻ em cảm thấy được rằng chúng có thể trở thành bất kỳ ai mà chúng muốn mà không bị đánh giá, điều này sẽ khiến cho tình bạn trở nên tích cực hơn, văn hóa sân chơi cũng tích cực hơn và mức độ hạnh phúc của trẻ cũng được cải thiện", Cleare nói.

Amanda Gummer, người sáng lập tổ chức phát triển kỹ năng Good Play Guide cho rằng môi trường học tập ở Hà Lan không có sự cạnh trạnh mà thay vào đó phụ huynh, học sinh và cả giáo viên tập trung hơn vào việc phát triển niềm đam mê học tập.

Gummer kêu gọi các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng điểm số của con không phải là tất cả và cũng không nói lên bất cứ điều gì về tương lai của đứa trẻ. Nuôi dưỡng sự tò mò, giúp con tìm được sự hăng say khám phá, nuôi dưỡng sự đam mê tìm tòi học hỏi chính là giúp cho trẻ tạo được động lực to lớn để trưởng thành một cách tốt nhất cũng như phát triển hết tiềm năng của bản thân.

Nguồn https://phapluat.suckhoedoisong.vn