Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những sai lầm khi dạy con tiết kiệm


 

Nếu cha mẹ không dạy trẻ tiết kiệm đúng cách, tằn tiện đến mức keo kiệt, đứa trẻ khi lớn lên có tính "tham nhỏ bỏ lớn", đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Theo các chuyên gia, trẻ được cha mẹ dạy về sự tiết kiệm sai cách có thể gặp các vấn đề sau khi trưởng thành.

Chỉ chăm chăm tận dụng

Tiết kiệm thái quá sẽ có thể dẫn đến sự đánh đổi, hy sinh phẩm chất đạo đức và giá trị bản thân. Ví dụ, trẻ có được món đồ mới như cục tẩy, cây bút sẽ không dám dùng mà cất kín, sau đó mượn của bạn khác để sử dụng. Thậm chí, trẻ có thể lấy cắp của bạn khác. Hành vi này, về lâu dài, khiến trẻ trở thành người thiển cận, chỉ ham lợi ích nhỏ, không biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Khi trưởng thành, trẻ khó có được sự giúp đỡ của tập thể bởi chỉ biết nhờ vả mà không biết hỗ trợ trở lại. Trong môi trường xã hội, họ khó có được bạn tốt, đồng nghiệp tốt.

Không hiểu được nhu cầu thực sự của bản thân

Tiết kiệm đúng cách là hành động không xa hoa, lãng phí mà vẫn đảm bảo nhu cầu của bản thân. Trong trường hợp tiết kiệm đến mức không còn lắng nghe nhu cầu bình thường của mình là sai lầm lớn. Điều này giới hạn tầm nhìn của trẻ, khiến trẻ quá chú trọng vào những thứ trước mắt mà không bao giờ nghĩ đến lợi ích lẫn mất mát lâu dài của bản thân.

Đề cao giá trị đồng tiền

Đồng tiền rất quan trọng nhưng chỉ là vật chất, là phương tiện để sống, không phải là tất cả. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ vì nghèo nên chặt chẽ với con từng đồng, cấm ngặt con những nhu cầu tối thiểu, khiến đứa trẻ sợ hãi sự khó nghèo, dần hình thành tâm lý tôn thờ tiền bạc. Khi trưởng thành, trẻ trọng vật chất, trở nên toan tính, thậm chí đánh đổi cả danh dự vì tiền.

Do đó, khi thấy trẻ keo kiệt thái quá, cha mẹ nên chỉ cho con thấy vấn đề một cách khách quan, toàn diện, không giới hạn trong lợi ích vụn vặt. Ví dụ, nếu trẻ giấu kẹo ăn một mình mà không cho bạn, nên chỉ ra cho bé thấy rằng điều đó có thể khiến con mất đi một người bạn tốt.

Ngoài ra, cha mẹ nên chỉ cho con thấy cách chi tiêu tiền sao cho khôn ngoan, hợp lý, không phải cứ rẻ là tốt. Ví dụ, khi trẻ mua loại bút chì rẻ nhưng chất lượng kém so với loại bút chì đắt, cha mẹ nên chỉ cho con thấy mua một sản phẩm chất lượng kỳ thực là sự tiết kiệm hơn rất nhiều, bởi tiết kiệm chi phí cũng là một hành động tiết kiệm.

Trong quá trình dạy trẻ tiết kiệm, điều quan trọng, cha mẹ nên giúp con bạn lập kế hoạch chi tiêu. Bằng cách này, đứa trẻ sẽ học được cách làm thế nào phân bổ đồng tiền cho hợp lý, từ đó hiểu ý nghĩa của tiết kiệm. Cần chỉ cho trẻ thấy sử dụng tiền vào một việc gì đó có cần thiết không, có hợp lý không.

Khi việc giáo dục tiết kiệm được tiến hành đúng cách, cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu đúng về giá trị đồng tiền, cách sử dụng tiền khôn ngoan nhất, thay vì biến mình thành bủn xỉn, keo kiệt. Làm chủ đồng tiền góp phần giúp trẻ thành công trong tương lai.

Nguồn VNE