Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Kiên trì rèn 5 thói quen này cho trẻ dưới 3 tuổi, tương lai mẹ nhàn tênh khi con mình biết tự lập sớm, tự giác học hành giỏi giang



Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, bố mẹ cần có những cách rèn luyện khác nhau cho phù hợp, như thế mới giúp trẻ tiến bộ và tự lập hơn mỗi ngày.

Mỗi một đứa trẻ khi sinh ra đều như một trang giấy trắng. Tất cả những gì trẻ tiếp xúc mỗi ngày xung quanh mình sẽ dần hình thành tính cách cho chúng. Nếu bố mẹ muốn cuộc sống của con mình sau này đi theo chiều hướng tích cực, ngay từ nhỏ, trẻ cần được giáo dục một cách đúng đắn. Đặc biệt, trước năm 3 tuổi, trẻ nên được bố mẹ xây dựng một số thói quen tốt, sau này việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ sẽ không còn quá vất vả nữa.

1. Tự ngủ đúng giờ

Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ có sự khác biệt rất lớn về giờ giấc đi ngủ. Tuy nhiên, bố mẹ nên huấn luyện trẻ ngủ đúng giờ, phân biệt được ngày và đêm ngay từ lúc mới sinh, có như thế người mẹ sẽ không phải vất vả chịu cảnh đứa trẻ "ngủ ngày cày đêm".


Người mẹ nên huấn luyện trẻ ngủ đúng giờ, phân biệt được ngày đêm khi còn là trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, việc rèn luyện thói quen ngủ cho trẻ cần phải chú ý một số điều, đó là bố mẹ không nên ôm ấp dỗ trẻ ngủ thường xuyên, điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề phiền phức sau này. Việc rèn trẻ tự chơi, tự ngủ tuy ban đầu khá khó khăn nhưng khi làm được, bố mẹ sẽ cảm thấy đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nếu bố mẹ kiên nhẫn rèn trẻ ngủ càng sớm, về sau bản thân càng nhàn trong việc chăm sóc con cái.

2. Tập trung ăn uống
Vấn đề ăn uống của trẻ thực sự là một nỗi phiền muộn của không ít bố mẹ. Để đối phó với tình trạng lười ăn của trẻ hoặc không tập trung khi ăn, có không ít bố mẹ cho phép trẻ vừa xem TV vừa ăn, hoặc bế rong trên tay để đút ăn. Tất cả những thói quen ăn uống này đều có hại cho trẻ và khiến bố mẹ cảm thấy rất mệt mỏi.


Bố mẹ nên rèn thói quen trẻ tự xúc ăn. (Ảnh minh họa)

Đối với vấn đề ăn uống này, nếu muốn trẻ tự giác trong việc ăn uống, ngồi vào bàn ăn nghiêm túc, chúng cần được bố mẹ kiên nhẫn rèn luyện trong một khoảng thời gian để hình thành thói quen.

Không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng có đam mê ăn uống nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng không thể chịu đựng được cái đói. Nếu ban đầu bố mẹ "nhẫn tâm" một chút, để trẻ nếm trải được cảm giác đói bụng là như thế nào, có như thế chúng mới nghiêm túc ngồi vào bàn ăn uống đàng hoàng. Mặc dù nói điều này có vẻ dễ dàng nhưng có không ít bố mẹ vì xót con đói bụng nên vẫn cho ăn theo thói quen có hại.

3. Biết giữ gìn vệ sinh
Nói về vấn đề vệ sinh đối với những đứa trẻ trước 3 tuổi có lẽ không phải là điều dễ dàng khiến trẻ nghe theo. Cách tốt nhất bố mẹ nên làm gương để trẻ bắt chước theo. Bố mẹ có thể dọn dẹp nhà cửa, lau chùi nhà, dọn dẹp đồ chơi... và mỗi khi làm những việc này, có thể yêu cầu trẻ phụ giúp mình.


Sau khi chơi xong, trẻ cần tự giác thu dọn đồ chơi. (Ảnh minh họa)

Việc làm cùng với bố mẹ như thế này không thể khiến trẻ cảm thấy thích thú, vui vẻ mà còn giúp chúng biết giữ gìn vệ sinh hơn.

4. Thường xuyên chơi các môn thể thao ngoài trời
Bất cứ đứa trẻ nào cũng đều yêu thích các hoạt động ngoài trời như chơi thể thao hay vui đùa. Việc vận động ngoài trời có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe của trẻ như nâng cao sức đề kháng, tăng cường sự tò mò, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo...


Trẻ rất thích các hoạt động ngoài trời. (Ảnh minh họa)

Việc vận động ngoài trời sẽ làm tăng làm lượng oxy lên não, cho phép cơ thể sản sinh ra nhiều hormone dopamine và adrenaline, giúp trẻ năng động và tập trung hơn.

5. Đam mê đọc sách

Giai đoạn trước 3 tuổi là thời điểm vàng để một đứa trẻ có hứng thú với việc học. Vì thế, để rèn trẻ có thói quen yêu thích việc đọc sách sau này, bố mẹ nên tích cực cho trẻ tiếp xúc với những con chữ thông qua các cuốn sách tranh và những câu chuyện cổ tích thú vị. Một khi trẻ trở nên thích thú với những cuốn sách, chúng sẽ say mê hơn với việc học tập sau này.


Bố mẹ nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên. (Ảnh minh họa)

Việc bố mẹ đọc sách không đơn thuần chỉ là kể một câu chuyện cho trẻ nghe, nó còn mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ, cải thiện khả năng nhận thức, tăng cường giao tiếp giữa bố mẹ và con cái, nuôi dưỡng sự quan tâm của trẻ đối với việc đọc...

Nguồn Nhịp Sống Việt