Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sữa mẹ đóng vai trò ra sao trong sự phát triển của trẻ?


 

Hấp thu trực tiếp nguồn sữa mẹ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp; tăng cường sự phát triển trí não, mắt; tăng miễn dịch cơ thể.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Đinh Thị Kim Liên - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome - sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là ở những năm đầu đời. Chất lượng sữa mẹ tốt, dễ hấp thu, dễ tiêu hóa. Trong sữa mẹ có 60% đạm whey và 40% casein; đầy đủ các axit amin cần thiết, tỷ lệ cân đối, phù hợp với trẻ em. Casein trong sữa mẹ giúp trẻ giảm mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy, viêm tai và dị ứng. Trong sữa mẹ có nhiều axit béo không no, có tiền chất của DHA và ARA tốt cho sự phát triển của trí não và mắt ở trẻ nhỏ.

Trong sữa mẹ có lipase, là men giúp tiêu hóa và thu nhận các chất mỡ. Chính vì vậy khi trẻ dùng sữa mẹ, mặc dù lượng mỡ cao, nhưng tiêu hóa tốt và không đầy bụng. Khoáng chất trong sữa mẹ cũng đầy đủ. Sữa mẹ đủ sắt, dễ hấp thu; vitamin C góp phần hấp thu sắt, bảo vệ cơ thể chống oxy hóa. Vitamin C rất dễ bị oxy hóa, dễ bốc hơi nên khi trẻ uống trực tiếp từ sữa mẹ, sẽ tận dụng được nguồn vitamin C đó và lượng sắt trong sữa mẹ tuy có thấp, nhưng trẻ vẫn hấp thu tốt.

Trẻ uống sữa mẹ thời gian dài trong một tuổi đến khi ăn bổ sung, mà không bổ sung đầy đủ thực phẩm, sẽ dễ thiếu sắt vì lượng sữa mẹ và lượng sắt ở mức vừa phải, đủ cho nhu cầu trẻ nhỏ. Ngoài các vitamin, dưỡng chất quan trọng, sữa mẹ còn có vai trò miễn dịch. Khi trẻ sinh ra, chưa có hệ miễn dịch cơ thể, dần dần mới tạo thành. Quá trình hình thành hệ miễn dịch của trẻ hoàn chỉnh như người lớn sẽ mất 5 năm. Vì vậy, trong những năm đầu đời, các kháng thể trong cơ thể mẹ sẽ mang từ sữa mẹ đưa qua cơ thể bé, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng.

Khi trẻ bú mẹ, tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng ở thấp. Trong sữa non, tế bào miễn dịch chứa nhiều kháng thể và một số chất có tác dụng tăng cường chống siêu vi trùng. Trong axit béo của sữa mẹ có khả năng làm vỡ một số màng bọc của một loại virus có vỏ bọc, vì vậy giúp trẻ đỡ nhiễm vi khuẩn đó.

Ngoài vai trò dinh dưỡng, sữa mẹ còn có tác dụng làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ. Khi trẻ nhỏ bú sữa mẹ sẽ ít bị nguy cơ đái tháo đường, tim mạch khi trưởng thành. Vì trẻ bú sữa mẹ tự điều chỉnh được lượng thức ăn mang vào cơ thể, tùy theo nhu cầu ở mỗi trẻ. Đặc biệt, nồng độ insulin trong máu của trẻ bú mẹ cũng thấp...

Khi trẻ bú mẹ, quan trọng là hình thành mối quan hệ gắn bó mẹ - con. Nếu trẻ bú mẹ, tình mẫu tử của mẹ được khơi gợi rất nhiều, tăng tình yêu của mẹ với con; giúp trẻ nhận thức, nhận biết mẹ tốt hơn và phát triển trí não nhanh hơn.

Trẻ bú mẹ còn bảo vệ sức khỏe mẹ, làm cho mẹ chậm có thai, giảm nguy cơ chảy máu sau sinh, giảm nguy cơ ung thư vú và buồng trứng... Người ta thấy tỷ lệ những bà mẹ không cho con bú mà khi lớn tuổi, sang tuổi trung niên sẽ có khả năng bị ung thư vú, ung thư buồng trứng tăng. Khi trẻ bú mẹ sẽ giúp mẹ nhanh chóng trở về vóc dáng ban đầu. Tận dụng nguồn sữa mẹ sẽ mang lợi ích cho mẹ và cả con.

Nguồn VNE