Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chế độ ăn cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ


 

Bà bầu bị đái tháo đường đường nên chia nhỏ 5-6 bữa một ngày; dùng nhiều chất xơ từ rau quả; ưu tiên gạo lứt, yến mạch; đạm ở mức 12-20% tổng năng lượng.

Hầu hết các triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ thường không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu bà bầu thường cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, khát nước, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt... thì đây có thể xem là các dấu hiệu nghi ngờ của đái tháo đường thai kỳ. Mẹ cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Cố vấn chuyên môn Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, bà bầu có thể kiểm soát lượng đường huyết ở mức ổn định bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống khi bị bệnh đái tháo đường thai kỳ và chế độ tập luyện giúp duy trì cân nặng phù hợp. Chỉ khi nào chế độ ăn uống và luyện tập không kiểm soát được lượng đường huyết như mong muốn, bác sĩ điều trị mới phải chỉ định tiêm insulin.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, khoa học rất quan trọng đối với người bị bệnh đái tháo đường nói chung và bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ nói riêng. Để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ, bà bầu không nên tự ý ăn theo chế độ riêng mà cần tuân thủ khuyến nghị về dinh dưỡng của các chuyên gia.


Thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ có thể giúp bà bầu kiểm soát đường huyết. Ảnh: Shutterstock

Kiểm soát chặt chẽ lượng dưỡng chất đưa vào cơ thể

Theo bác sĩ Yến Phi, bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ phải thận trọng khi dung nạp vào cơ thể các chất dinh dưỡng sản sinh năng lượng, bởi các chất này có thể được chuyển đổi thành đường trong máu. Cụ thể:

Chất bột đường: bà bầu chú ý lượng carbohydrate nạp vào cơ thể khoảng 50-55% tổng năng lượng ăn vào. Nếu ăn quá nhiều chất bột đường trong một bữa sẽ làm tăng đường huyết, ngược lại, sẽ dẫn đến hạ đường huyết. Cơm gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, khoai lang, ngô, ngũ cốc... là những thực phẩm giàu tinh bột nhưng có chỉ số đường huyết thấp, bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ có thể ăn thoải mái.

Chất đạm: nhu cầu chất đạm theo khuyến nghị dành cho phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ ở mức 12-20% tổng năng lượng ăn vào, nên ăn cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật. Theo đó, cá, thịt gà, trứng, đậu hũ, đậu xanh, đậu hà lan, đậu lăng... là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất đạm mà đối tượng này nên lựa chọn.

Chất xơ: trong chế độ ăn uống cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ, lượng chất xơ được khuyến nghị tiêu thụ khoảng 20-35 gram ngày. Ngoài tác dụng giúp chậm hấp thu glucose vào máu và giảm tốc độ tăng đường huyết sau khi ăn, chất xơ còn làm giảm hấp thu chất béo, giảm nguy cơ tăng lipid máu khi mang thai; từ đó tránh biến chứng tim mạch, chứng táo bón thai kỳ, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa... Dâu tây, táo, cam, bắp cải, súp lơ... là các loại rau củ quả giàu chất xơ mà bà bầu nên ăn thường xuyên.

Chất béo: theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, nhu cầu chất béo dành cho bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ vào khoảng 25% đến dưới 30% tổng năng lượng ăn vào. Các loại thực phẩm có chất béo không bão hòa như: dầu ô liu, dầu lạc, các loại hạt, cá hồi, cá mòi, cá ngừ... cần ưu tiên.

Vitamin và khoáng chất: là những vi chất dinh dưỡng rất cần thiết, nhất là bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, theo khuyến khích của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh đái tháo đường châu Âu (EASD- European Association for study of Diabetes), đối tượng này nên cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể từ các loại thực phẩm tự nhiên như rau củ quả tươi, cá, thịt nạc, các loại đậu... thay vì dùng các chế phẩm bổ sung.

Sữa: đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Do đó, bà bầu nên bổ sung sữa trong chế độ ăn uống theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng. Thai phụ có thể chọn lựa những loại sữa không đường, sữa dành cho người bị đái đường với liều lượng dùng: 300ml/ngày trong 3 tháng đầu, 600ml/ngày trong 3 tháng giữa, 600ml/ngày trong 3 tháng cuối.

Chia nhỏ bữa ăn: một ngày thay vì ăn 3 bữa chính thì bạn nên ăn 6 bữa nhỏ, gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Theo đó, mức năng lượng ở từng bữa ăn được khuyến nghị là:

-Bữa sáng: 20% tổng năng lượng/ngày
- Bữa phụ sáng: 10% tổng năng lượng/ngày
- Bữa trưa: 25% tổng năng lượng/ngày
- Bữa phụ chiều: 10% năng lượng/ngày
- Bữa tối: 25% tổng năng lượng/ngày
- Bữa phụ tối: 10% tổng năng lượng/ngày

Để đo mức độ an toàn của các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, bạn nên kiểm tra lượng đường huyết bằng máy thử đường huyết tại nhà vào buổi sáng và giữa các bữa ăn. Bà bầu cũng nên có một cuốn nhật ký để ghi lại thông tin, chỉ số quan trọng cung cấp cho bác sĩ trong những lần đi khám để việc điều trị đạt được kết quả.

Để kiểm soát lượng đường huyết ở mức ổn định trong suốt 9 tháng thai kỳ, bà bầu phải nghiêm túc thực hiện chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý. Bạn có thể đến Hệ thống phòng khám dinh dưỡng Nutrihome để thăm khám, điều trị với các thiết bị máy móc hiện đại.

Bà bầu sẽ được xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp theo từng giai đoạn thai kỳ, dựa trên tình trạng sức khỏe, thói quen và sở thích ăn uống. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn mẹ cách lựa chọn thực phẩm và chế biến món ăn đúng cách, đảm bảo ngon miệng, đủ chất theo đúng chế độ ăn uống cho mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ.

Nguồn VNE