Hỗ trợ giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp: Để chăm sóc trẻ tốt hơn...
Ngày 23-9-2021, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Tùy theo quy mô, mỗi cơ sở được hỗ trợ 20 triệu đồng hoặc 40 triệu đồng. Đây là tin vui với các chủ cơ sở, giáo viên và phụ huynh của trẻ, bảo đảm công bằng đối với bậc học mầm non, thêm điều kiện để chăm sóc trẻ em tốt hơn.
Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất của thành phố Hà Nội sẽ giúp các cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp thêm điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn. Trong ảnh: Một tiết học của trẻ tại nhóm lớp Mầm non Hoa Anh Đào (huyện Đông Anh), tháng 4-2021. Ảnh: Đỗ Tâm
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ em theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 30%.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, về cơ bản, các cơ sở giáo dục mầm non đều có chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tốt. Tỷ lệ trẻ ở các độ tuổi được huy động ra lớp ngày càng tăng. Thành phố Hà Nội đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2013 đến nay và tiếp tục nỗ lực để thực hiện phổ cập với các lứa tuổi nhỏ hơn. Tuy nhiên, giáo dục mầm non Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Bà Lê Thị Phương Thảo, Chủ nhóm lớp Mầm non Sao Mai (huyện Mê Linh) cho biết: Nhóm thành lập từ năm 2011, với quy mô hơn 60 trẻ từ 2 đến 5 tuổi và 97% số trẻ gửi tại nhóm lớp là con của người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh. Dù cố gắng bảo đảm các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ, mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, song trong quá trình sử dụng, nhiều đồ dùng bị hư hỏng, việc mua sắm bổ sung đôi khi chưa kịp thời, bởi kinh phí còn hạn chế.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Phú Nghĩa. Đa số các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, dân lập phải thuê địa điểm là nhà dân và dành kinh phí ban đầu khá lớn để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với việc chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như mua sắm, bổ sung đồ dùng, thiết bị theo danh mục quy định. Trong khi đó, việc huy động kinh phí từ phụ huynh còn nhiều hạn chế, do đời sống của hầu hết người lao động còn khó khăn.
"Cú hích" tăng chất lượng
Một tiết học tại Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập Họa Mi (huyện Mê Linh), tháng 4-2021. Ảnh: Trọng Hiếu
Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, ngày 23-9-2021, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố Hà Nội”. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Các cơ sở được hỗ trợ cơ sở vật chất một lần để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn Phạm Thị Lan Hương cho biết, với việc được hỗ trợ 20 triệu đồng hoặc 40 triệu đồng (tùy quy mô), chính sách này thực sự là một “cú hích” để các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp nâng chất lượng, tạo sự đồng đều giữa các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Sự hỗ trợ kịp thời này giúp các đơn vị có thêm nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Còn theo bà Phạm Thị Duyên, Chủ nhóm lớp Mầm non Hoa Anh Đào (huyện Đông Anh), chính sách này đã tiếp thêm động lực để các giáo viên khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất dạy học, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Với kinh phí được hỗ trợ, nhóm sẽ mua sắm đồ chơi ngoài trời; đồng thời, rà soát cơ sở vật chất để hoàn thiện các điều kiện bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mai, người lao động thuộc Khu công nghiệp Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Sự hỗ trợ kịp thời của thành phố trong thời điểm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giúp chúng tôi yên tâm hơn khi gửi con tại các nhóm trẻ dân lập, tư thục, từ đó tập trung vào lao động sản xuất”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội hiện có 138 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục, với gần 7.000 trẻ tại 5 quận, huyện: Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn và Chương Mỹ thuộc đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Thời gian được hưởng hỗ trợ tính từ năm học 2021-2022.
"Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đôn đốc, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí kinh phí hỗ trợ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng đối tượng, đúng quy định, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất”, ông Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn http://hanoimoi.com.vn
|