Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP HCM dự kiến mở cửa trường học từ tháng 1/2022


Trường học đồng loạt mở cửa từ đầu tháng 1/2022, tức đầu học kỳ II, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Chiều 7/10, tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - cho biết, hiện có khoảng 1.500 trường học đang được trưng dụng, phục vụ chống dịch. Trong đó, khoảng 150 trường đã được trả lại để sửa chữa, khôi phục nguyên trạng. Số còn lại sẽ được bàn giao dần, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất.

Ngành giáo dục cần một tháng để sửa chữa, vệ sinh, khắc phục, chuẩn bị cơ sở vật chất. "Nếu được phép của UBND thành phố, dịch bệnh được kiểm soát và các trường thực hiện đúng bộ tiêu chí, dự kiến đầu tháng 1/2022 sẽ học trực tiếp trở lại", ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Văn Hiếu tại buổi họp báo tháng 9/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Năm nay, thành phố có 1,71 triệu học sinh với hơn 2.400 trường học. Theo kế hoạch năm học của TP HCM, học kỳ I bậc tiểu học kết thúc từ ngày 22/1; THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên kết thúc ngày 15/1.

Giữa tháng 9, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP HCM phương án mở cửa trường học tại quận, huyện được xác định an toàn phòng chống Covid-19, theo chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Những điều kiện để trường học được mở cửa gồm: Được đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch; giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất hai tuần; việc dạy trực tiếp cho học sinh trên tinh thần tự nguyện; dạy trực tuyến, qua truyền hình vẫn duy trì cho những em không thể đến trường.

Đến nay, chỉ có hai trường Tiểu học Thạnh An và THCS – THPT, huyện Cần Giờ đề xuất cho học sinh trở lại trường ở các lớp 1, 2, 6, 9, 12 theo chủ trương của UBND huyện.

Tại buổi họp báo, ông Hiếu cho biết, tỷ lệ học sinh tham gia học tập trực tuyến từ đầu năm học rất cao: bậc tiểu học là hơn 97,7% học sinh, bậc trung học 99,8%. Trong tuần đầu tiên, việc học trực tuyến bị gián đoạn ở nhiều trường do hạ tầng không theo kịp số lượng truy cập cùng lúc quá lớn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với đơn vị công nghệ để nâng cấp máy chủ, băng thông.

Ngoài học trực tuyến trên lớp, tất cả học sinh có thể tự học với bài giảng trực tuyến, hệ thống LMS của ngành giáo dục. Riêng học sinh lớp 1, 2 có thêm chương trình dạy học trên truyền hình.

Nguồn https://vnexpress.net