Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Can thiệp sớm cứu sống nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh


 

Phát hiện thai nhi mắc bệnh tim nặng; khoa sản, sơ sinh, tim mạch theo dõi chặt chẽ, can thiệp cho trẻ ngay sau sinh, tăng khả năng cứu sống.

Theo dõi chặt chẽ thai kỳ có nguy cơ cao

Chị Trần Thị Hương Lan (30 tuổi, TP HCM) mang thai 30 tuần, thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phát hiện thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh nặng, với chẩn đoán không lỗ van động mạch phổi kèm vách liên thất kín, thiểu sản thất phải, hở van ba lá. Các cuộc hội chẩn liên chuyên khoa sản - sơ sinh - tim mạch được tổ chức ngay để lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sinh.

Theo các bác sĩ, đây là bệnh tim bẩm sinh phức tạp phụ thuộc ống động mạch, bé cần được hồi sức sơ sinh để theo dõi. Dự kiến, bé phải giữ ống động mạch mở bằng thuốc, khả năng cần can thiệp xé vách liên nhĩ, đặt stent ống động mạch hoặc mở van động mạch phổi. Nếu không được chuẩn bị đầy đủ, bé có thể tử vong ngay sau sinh.

 


Dị tật tim bẩm sinh có thể được phát hiện sớm nhờ siêu âm tim thai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Trước đó, các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa của bệnh viện cũng mổ lấy thai cho sản phụ Nguyễn Thị Ly (TP HCM) do thai to vỡ ối sớm. Bé nặng 4,7 kg, mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, được chuyển ngay đến Trung tâm Sơ sinh để hồi sức kịp thời.

Con của chị Ly được phát hiện bất thường tim thai khi siêu âm ở tuần 22, chẩn đoán thân chung động mạch type I - thân chung xuất phát từ thất phải. Chị có tiền căn đái tháo đường thai kỳ.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nếu được phát hiện sớm từ trong bào thai, theo dõi chặt chẽ và can thiệp ngay khi chào đời thì cơ hội chữa khỏi rất cao. Giai đoạn sơ sinh, trẻ được theo dõi tình trạng suy tim và điều trị sớm khi triệu chứng. Một số trường hợp như con chị Ly, bác sĩ cần chụp MSCT lúc bé được 3 tuần tuổi để cung cấp thêm dữ liệu cho cuộc phẫu thuật sắp tới. Bệnh tim bẩm sinh của bé cần được phẫu thuật khi bé một tháng tuổi.

Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ thêm, hệ thống máy chụp CT 768 lát cắt của Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh cho chất lượng hình ảnh rõ nét, thời gian chụp rất ngắn, liều tia thấp, giảm thiểu nguy cơ cho trẻ sơ sinh. Kết quả chụp cho thấy, bé có thân chung động mạch đi kèm đứt đoạn cung động mạch chủ, xếp loại Van Praagh type A4 là thể nặng nhất, giúp phẫu thuật viên xác định rõ cấu trúc giải phẫu và cuộc mổ được chuẩn bị tốt.

Tầm soát dị tật tim bẩm sinh giúp phát hiện sớm, can thiệp kịp thời

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 10.000-12.000 trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, chỉ 6.000 trẻ trong số đó được điều trị phẫu thuật, số còn lại đang trong giai đoạn chờ hoặc đã tử vong trước khi phát hiện bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần đi khám đúng lịch để không bỏ sót và có thể phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh của thai, nhất là dị tật tim bẩm sinh. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp quá trình xử trí không quá khó khăn nếu chỉ định dừng thai kỳ hoặc có sự chuẩn bị tốt cho cuộc sinh và chăm sóc trẻ ngay khi chào đời. Nhờ sự phát triển của kỹ thuật siêu âm, hệ thống máy móc tiên tiến, các bác sĩ nhiều kinh nghiệm của Trung tâm Sản Phụ khoa và Trung tâm Tim mạch phối hợp tầm soát dị tật tim bẩm sinh ở trẻ ngay từ tuần thai thứ 18.


Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh Tâm Anh TP HCM trong một ca mổ lấy thai trẻ bị tim bẩm sinh phức tạp vào tháng 8/2021. Ảnh: Phong Lan.

Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ thêm, tất cả trẻ sinh ra tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đều được sàng lọc bệnh tim bẩm sinh bằng cách đo độ bão hòa oxy qua da (SpO2) trong 24-48 giờ sau sinh và khám lâm sàng. Đây là thời điểm tốt nhất để chẩn đoán và can thiệp kịp thời một số dị tật tim bẩm sinh nặng ở trẻ sơ sinh.


Một bé tim bẩm sinh phức tạp được khám tim mạch ngay khi chào đời tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào tháng 8/2021. Ảnh: Phong Lan.

Một trong những yếu tố quyết định đến thành công của một ca phẫu thuật tim là công tác hồi sức sơ sinh. Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng cho biết, nếu mắc phải dị tật tim bẩm sinh nặng và phức tạp, trẻ có nguy cơ tử vong ngay khi chào đời. Một số bé cần truyền Prostaglandin E1 (PGE1) ngay sau sinh để giữ ống động mạch mở, nhờ đó, mạng sống của trẻ mới được duy trì cho tới khi được can thiệp hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, cần tránh tuyệt đối tình trạng nhiễm trùng sơ sinh và đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bé để tạo tiền đề cho ca phẫu thuật tim thành công.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, với những trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ sẽ tiến hành nhiều cuộc hội chẩn trước và sau khi sinh để quyết định phương pháp điều trị, thời điểm can thiệp phù hợp. Phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa sản - nhi sơ sinh - tim mạch giúp chẩn đoán chính xác, theo dõi chặt chẽ trước sinh, chăm sóc tích cực ngay sau sinh và chuẩn bị cho cuộc mổ. Nhờ đó, nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp được cứu sống, hồi phục nhanh.

 

Nguồn VNE