Chuyên gia giáo dục: Trẻ mặc cảm, tự ti thường hay nói 4 câu này Chỉ cần quan sát cẩn thận, bố mẹ sẽ phát hiện ra con mình liệu có phải là một đứa trẻ hay mặc cảm và tự ti không. Là bố mẹ, ai cũng mong con mình lanh lợi, hoạt bát, tự tin. Thế nên khi thấy trẻ có một số dấu hiệu như rụt rè, kém tự tin, hay mặc cảm, họ thắc mắc rằng tại sao một đứa trẻ được bố mẹ tạo mọi điều kiện tốt nhất lại có tính cách như vậy? Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giáo dục và là một nhà tâm lý nổi tiếng ở Trung Quốc, bà Lý Mỹ Kim chỉ ra rằng: "Tỷ lệ mặc cảm, tự ti ở trẻ em không hề thấp nhưng phần lớn bị giấu kín. Nếu bố mẹ không thường xuyên quan sát con mình, họ sẽ không thể phát hiện ra được vấn đề". Khi trẻ có những biểu hiện mặc cảm và tự ti nhưng không được giải tỏa cảm xúc, chúng dễ sống nội tâm, có xu hướng trầm cảm trong tương lai. Vì vậy, bố mẹ cần quan sát con mình nhiều hơn, đặc biệt chú ý nếu thấy trẻ thường hay nói 4 câu này. 1. "Con giỏi nhất mà!" Khi một đứa trẻ cố tình che giấu khuyết điểm, luôn nhấn mạnh bản thân mình rất giỏi, thường phản bác lại một cách quyết liệt nếu bị ai đó khiển trách. Trong trường hợp này, bố mẹ không nên đánh giá con mình tự tin, bởi đây có thể do trẻ cố tình tự nhận mình như vậy. "Con giỏi nhất mà!" có thể là câu nói mang tính phòng thủ khi trẻ có cảm giác tự ti.
Nếu trẻ tiếp tục ngày càng tự, hay chán nản và nghi ngờ bản thân, theo thời gian sẽ hình thành tính cách hèn nhát. 2. "Con chẳng là gì cả" Sau khi bị phê bình và chỉ trích, tâm hồn của trẻ liên tục bị tổn thương, nếu không khôi phục lại sự tự tin sẽ khiến trẻ dễ có lòng tự trọng thấp. Khi trẻ nghĩ mình không là gì cả, sự lo lắng và đau khổ tích tụ dần trong lòng, lâu dần sinh ra những mặc cảm không thể xóa nhòa. 3. "Con không thể thắng người ta" Có một số đứa trẻ ngay từ nhỏ đã theo đuổi sự hoàn hảo quá mức, môi trường sống bị hạn chế, thường phủ nhận mọi thứ. Mỗi khi chúng không đạt được những mục tiêu đã đề ra hay gặp những vấn đề không mấy dễ chịu, thường sẽ tỏ ra hoang mang, lo lắng về tương lai của mình. Chúng cảm thấy bản thân kém cỏi hơn người khác, nghĩ rằng mình không thể hơn họ được.
Loại cảm giác này theo thời gian sẽ khiến trẻ tự ti, không đủ bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống sau này. 4. "Con xin lỗi" Một số đứa trẻ thường hay xấu hổ về bản thân mình và thích nói lời xin lỗi. Chúng luôn cảm thấy sự tồn tại của mình đang gây phiền phức, trở thành gánh nặng cho bố mẹ hoặc không giúp ích được gì cho người khác. Khi trẻ luôn nói "con xin lỗi", chúng có thể nghĩ bố mẹ không thương mình, bản thân không có giá trị gì trong mắt bố mẹ, giống như "đồ thừa" trong nhà. Một khi trẻ có những suy nghĩ này, cảm giác tự ti và mặc cảm sẽ bủa vây chúng, kèm theo đó hàng loạt những hành động tiêu cực xảy ra như trẻ không thích nghe giảng bài, kết quả học tập giảm sút, thích ở một mình, không muốn có bạn bè... Bố mẹ cần làm gì nếu nhận thấy con mình hay mặc cảm và tự ti? - Thể hiện tình yêu thương với con cái nhiều hơn Trẻ tự ti luôn cảm thấy cô đơn, không có ai hiểu mình, không giỏi bằng người khác, không được mọi người công nhận... Nếu nhận ra con mình có biểu hiện như vậy, bố mẹ nên bày tỏ tình yêu thương nhiều hơn và nói cho trẻ biết ưu điểm của bản thân là gì. Khi trẻ nhận ra bản thân hoàn toàn không vô dụng như mình nghĩ, cũng có những ưu điểm nổi bật, kèm theo cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, chúng sẽ dần dần trở nên tự tin, vui vẻ và cởi mở hơn.
Khi trẻ có tâm lý tự ti, bố mẹ nên khuyến khích trẻ nhiều hơn và động viên "con có thể làm được mà", thay vì buộc tội, chỉ trích và nhắc đi nhắc lại sai lầm. Sự thiếu thấu hiểu của bố mẹ có thể đẩy trẻ vào cảnh ngày càng mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người, trở nên chán nản cuộc sống hơn. Việc bố mẹ thường xuyên trò chuyện, trở thành một người bạn tốt, cho phép trẻ dám làm những thứ chúng thích, động viên mỗi khi gặp thất bại sẽ mang lại sự tự tin cho trẻ nhanh chóng. Nguồn Pháp luật và bạn đọc
|