Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non đặt nền móng cho trẻ phát triển thể chất, nhận thức, tình cảm XH và thẩm mỹ


Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ.

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. 

Khám phá khoa học là một trong những hoạt động quan trọng của đổi mới GDMN. Khoa học với trẻ mầm non chỉ là quan sát những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh trẻ nhằm phân tích, giải thích cách thức hoạt động, sự tồn tại của sự vật hiện tượng đó. Dưới đôi mắt trẻ thơ, khái niệm khoa học vô cùng đơn giản và giúp trẻ hiểu ra bản chất của sự vật, hiện tượng. Từ đó hình thành nền tảng kiến thức vững chắc và đi sâu vào tiềm thức từ khi còn nhỏ giúp trẻ dễ làm quen và tiếp thu với các chương trình học phức tạp khi lớn lên.

Cô giáo Bùi Thị Quyên, tác giả đề tài nghiên cứu

Trẻ em trong giai đoạn 0-6 tuổi là thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, trí tuệ, cảm xúc. Trẻ tương tác tích cực với những gì diễn ra xung quanh chúng. Bản chất việc học của trẻ em là thông qua sự bắt chước, khám phá, trải nghiệm, thực hành để hiểu về những sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh trẻ.

Mặt khác, trẻ mầm non rất tò mò và muốn chứng tỏ bản thân, do đó, chúng luôn quan sát và đặt câu hỏi với mọi sự vật, hiện tượng đang diễn ra xung quanh mình. Vì vậy, vai trò của giáo viên là khai thác các tình huống cũng như các đối tượng khác nhau để khuyến khích trẻ chơi, khuyến khích trẻ hoạt động cùng nhau. Giáo viên giúp trẻ suy nghĩ nhiều hơn về những gì chúng nhìn thấy và đang làm, kích thích trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán các sự vật hiện tượng xung quanh và chia sẻ điều trẻ nhìn thấy, điều trẻ nghĩ hoặc điều còn băn khoăn, thắc mắc. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi này rất thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ mầm non.

Mặc dù hoạt động khám phá khoa học đã được đưa vào chương trình giáo dục mầm non từ năm 2009, tuy nhiên, kết quả mang lại đến nay vẫn chưa được rõ nét nguyên nhân do trình độ, kiến thức khoa học, kinh nghiệm của giáo viên còn hạn chế và thiết bị dạy học, đồ dùng trực quan cho trẻ còn chưa đáp ứng được tính thẩm mỹ và chính xác về kiến thức.

Ảnh minh họa

Không ít giáo viên dạy trẻ theo phương pháp truyền thống một chiều "cô nói, trẻ nghe", vẫn còn khá nhiều giáo viên chọn việc trình chiếu cho trẻ xem hơn là việc tổ chức cho trẻ được hoạt động theo các hình thức khác nhau như theo các nhóm, cá nhân…, lớp học thụ động bị cuốn theo các hiệu ứng trên màn hình làm loãng đi trọng tâm của bài học, hiệu quả đạt được không cao, các hoạt động cho trẻ khám phá, trải nghiệm chưa phong phú và đa dạng, giáo viên chưa tận dụng triệt để môi trường tự nhiên, sẵn có để dạy trẻ, đồ dùng đồ chơi cho trẻ vẫn chưa đáp ứng đủ theo quy định... Đây chính là những biểu hiện của việc chậm đổi mới các phương pháp giáo dục.

Đối với huyện Lạng Giang, một huyện đang rất phát triển, với mật độ dân số đông tại tỉnh Bắc Giang, nhu cầu gửi con vào các trường mầm non lớn. Trong những năm gần đây, các trường mầm non tư thục phát triển khá mạnh, cơ sở vật chất của các trường mầm non công lập cũng được quan tâm đầu tư tốt hơn. 21/21 trường mầm non trên địa bàn huyện đạt trường chuẩn quốc gia, 100% các trường đều đầu tư xây dựng khu khám phá trải nghiệm cho trẻ, cán bộ giáo viên thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” và “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay và dựa trên kết quả đánh giá trẻ về các nội dung khám phá, việc thực hiện hoạt động khám phá cho trẻ tại một số trường mầm non đang bộc lộ một số hạn chế, chưa đồng đều về mặt chất lượng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tổ chức dạy học ở nhiều cơ sở mầm non trên địa bàn huyện Lạng Giang trong thời gian qua.

Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mầm non ở huyện Lạng Giang nói chung và chất lượng hoạt động khám phá khoa học cho trẻ nói riêng, tôi đã lựa chọn đề tài “Quản lý  bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho giáo viên ở các trường mầm non huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang" để nghiên cứu làm luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý giáo dục, với mong muốn góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn về giáo dục mầm non (GDMN) của huyện Lạng Giang hiện nay và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Các em học sinh mầm non với những hoạt động tại lớp học

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng quản lý bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho giáo viên tại các trường mầm non trong huyện Lạng Giang - Tỉnh Bắc Giang, đề tài đề xuất 5 biện pháp quản lý bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực tổ chức hoạt động khám phá khoa học (KPKH) cho giáo viên ở các trường mầm non huyện Lạng Giang - Tỉnh Bắc Giang:

- Biện pháp 1: Bồi dưỡng nâng cao nhận thức về năng lực tổ chức hoạt động KPKH cho giáo viên

- Biện pháp 2: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động KPKH cho GVMN đảm bảo tính khoa học và phù hợp với điều kiện thực tiễn của các trường mầm non

- Biện pháp 3: Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động KPKH cho GVMN

- Biện pháp 4: Đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá hoạt động bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động KPKH cho GVMN

- Biện pháp 5: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và khuyến khích động viên tinh thần để GV tích cực tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng

Các biện pháp trên đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khám phá khoa học nói riêng và giáo dục toàn diện ở trường mầm non huyện Lạng Giang - Tỉnh Bắc Giang.

Bùi Thị Quyên (Hiệu trưởng Trường Mầm non Dương Đức - Lạng Giang - Bắc Giang)

Nguồn https://www.phapluatplus.vn