Không cha mẹ nào nuôi con mà muốn bé bị sụt cân, biếng ăn, thế nhưng cái vòng luẩn quẩn thấy con sụt cân rồi cha mẹ ép ăn vẫn không kết thúc. Chắc hẳn nhiều người đã chẳng lạ gì với hình ảnh các bà mẹ bế rong con khắp nơi này nơi kia để cho ăn hoặc cứ đến bữa ăn là làm đủ trò, bật đủ thể loại hoạt hình ca nhạc lên để ép con bằng hết bát cháo. Hay mỗi khi đưa con đi cân định kì mà thấy bé bị sụt cân, không nặng bằng con nhà người khác là nhiều mẹ sẽ lo lắng vô cùng và tìm mua đồ bồi bổ cho con. Và rồi những bữa ăn sau đấy sẽ vô cùng nặng nề khi cha mẹ thì mệt mỏi vì con không chịu ăn, trẻ cũng sợ hãi khi cứ bị quát mắng thậm chí là đánh đập, tình trạng biếng ăn cứ vậy mà trở nên tồi tệ hơn. Điều nan giải trên có lẽ mọi cha mẹ nuôi con nhỏ đều hiểu được, thế nhưng nó cứ như là 1 vòng luẩn quẩn khó giải quyết khiến nhiều cha mẹ phải stress, lo lắng vô cùng. Bản thân chị Thu Hà cũng đã trải qua những điều trên khi bé Xu của chị "gầy trơ xương", "ói như máy bơm", "ăn vào nhỏ giọt". Khoảng thời gian đó vô cùng căng thẳng cho cả chị và con gái đến nỗi chị phải lên tiếng kêu cứu: "Tôi nuôi con sai rồi. Cứu mẹ con tôi với!". Lời tâm sự của nhà báo Thu Hà, 1 người mẹ nuôi con còi dưới đây sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ lại.
Khoảng thời gian đó rồi cũng qua, chị Thu Hà cũng có những chia sẻ vô cùng sâu sắc về việc nuôi con biếng ăn được rất nhiều mẹ bỉm sữa hưởng ứng: Tôi là một bà mẹ nuôi con còi! Khi mới sinh, Xu nặng 3,1kg, nhưng 12 tháng Xu chỉ nặng 7,2kg, 24 tháng chỉ nặng 9,2 kg. Xu bị trào ngược dạ dày thực quản, gầy trơ xương, ăn vào 'nhỏ giọt', ói như máy bơm, ngày cả chục lần. Bác sĩ và hàng xóm nhắc nhở, doạ dẫm. Mỗi ngày thực sự là một cuộc chiến, mà trong đó cả tôi và Xu đều là kẻ thua cuộc. Tôi tuyệt vọng đến mức lên một diễn đàn, làm một cái topic kêu cứu: 'Tôi nuôi con sai rồi. Cứu mẹ con tôi với!'. Nhiều mẹ vào topic "kêu cứu" của tôi để an ủi. Có mẹ còn cho số điện thoại riêng và nhắn: 'Tớ phải nói chuyện với cậu mới được vì không đủ thời gian để gõ trên mạng'. Hai bà mẹ chưa từng quen, không biết mặt, vừa ôm điện thoại vừa khóc. Tôi tha Xu đi khắp các bệnh viện, các trung tâm dinh dưỡng, rồi mua cả thuốc cam, thuốc bắc ở Hàm Tử, quận 5 cho Xu uống. Rồi các bà mẹ trên mạng chỉ cho tôi một bác sĩ. Ông là bác sĩ nhi duy nhất ân cần cầm tay Xu, hỏi han bé, cười nựng với bé, khen ngợi bé và kiên nhẫn ngồi nghe tôi kể lể cả mấy chục phút. Ông in các tài liệu cho tôi về xem. Ông cho tôi xem hình con ông ngày nhỏ, cũng gầy gần như Xu. Bác sĩ nói: - Con chị hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu trong phòng này có người bệnh, chắc đó là tôi hoặc là chị. Nuôi con, chị hãy nhìn con mình, không nhìn con hàng xóm. Chị phải tôn trọng thể tích dạ dày của bé. Chị chỉ được quyết định cho bé ăn gì và khi nào, còn bé sẽ quyết định ăn bao nhiêu. Nuôi con phải dân chủ! Chị hãy nhìn biểu đồ tăng trưởng của con chị, đường biểu đồ đang đi lên, vậy là tăng trưởng tốt. Không cân bé hàng tháng nữa, chỉ cân 3 tháng một lần". Tôi vẫn bồn chồn hỏi: - Nhưng cân nặng của bé nằm sát đáy kênh A rồi, sắp suy dinh dưỡng rồi? Bác sĩ giải thích cho tôi: - Chị đừng hiểu theo cách đó. Con chị ở đây, nghĩa là bé nằm trong số 5% trẻ em trên thế giới có cân nặng thế này. Cả thế giới đang đau đầu phòng chống bệnh béo phì, lẽ ra chị phải thấy mình may mắn. Chị quá stress tức là con chị bị sống trong bầu không khí "ô nhiễm".
Vài tháng sau, có một biến cố lớn xảy ra. Bạn thân của tôi, một người cao ráo, xinh đẹp, giỏi giang và thành đạt đã tự tử. Tôi choáng váng tới mức buộc phải đi học các khóa học tâm lý, bình ổn tâm hồn. Tôi nhận ra rằng sức ép tinh thần có thể giết chết người ta như thế nào, sự khỏe mạnh về tinh thần nhiều khi còn quan trọng hơn chỉ số chiều cao, cân nặng. Tôi bắt đầu thay đổi từ phía mình, tôi kiên nhẫn và bình tĩnh và thả lỏng hơn với việc cho Xu ăn. Xu ăn không hết thì tôi dẹp. Xu ốm thì đi khám. Tôi không tự kết tội mình nữa. Tôi cho Xu học 2 năm lớp lá, 7 tuổi mới vào lớp một. Tôi chỉ nhìn vào Xu và không so sánh với các bé khác. Tôi đã gặp những mẹ cho con đi ăn rong, những mẹ sẵn sàng múa may làm chó, làm mèo hòng cho con nuốt một miếng cháo... Tôi đã gặp một mẹ dùng súng bắn nước bắn sữa vào miệng con, một mẹ bóp mũi con để con nuốt, mỗi miếng cơm là một roi... Tôi hiểu nỗi lòng của các bạn! Tôi cũng đã ép Xu ăn, làm con tới tận bây giờ vẫn chưa tìm ra niềm hạnh phúc trong ăn uống. Tôi đã la mắng khi Xu ói làm cho bé sợ ói, giờ có khi ói ra tới miệng lại gắng nuốt ngược vào. Tôi cố sửa cho Xu tật ngủ mút tay thành ra làm bé ngủ chập chờn, không tròn giấc. Có những việc làm mà hậu quả của nó tôi không lường hết được. Các mẹ ạ, đừng ép trẻ ăn bằng roi, bằng la mắng, khi đó là bé đang ăn cháo cùng cortisol, một loại 'hooc môn stress' làm trẻ kém tăng trưởng, vôi hóa khớp, trầm cảm, hung dữ, bạo lực... Ép con ăn (giả sử là ép thành công) thì con của bạn có thể tăng nhanh lên 1kg, 2kg nhưng làm sao có thể đong đếm những tổn thương tinh thần bên trong bé được? Hãy tôn trọng con và thư giãn! Tôi nhìn xung quanh, ngay cơ quan tôi, người ngồi bên trái nặng hơn tôi 12kg, bạn ngồi bên phải nhẹ hơn tôi 10kg. Cả ba chúng tôi đều làm việc tốt, đều sống bình thường, cớ sao con tôi chỉ kém bạn bè có 2kg mà phải "xoắn" chứ! Cao to vượt trội, thông minh vượt trội, hẳn là rất có ưu thế. Nhưng giữ được cuộc sống vui vẻ và thoát khỏi những xiềng xích mình tự trói buộc mới thật là hạnh phúc. Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.
Nguồn Afamily |