Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Tốt nghiệp giáo dục mầm non lại đi làm công nhân, kế toán...'


Mặc dù đã thực hiện tuyển giáo viên làm nhiều đợt, đưa ra những chính sách đãi ngộ khác nhau, nhưng nhiều địa phương vẫn không thể tuyển đủ giáo viên mầm non, tiểu học. Trong khi đó, nhiều trường đào tạo giáo viên 'sống dở, chết dở'.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học. Do đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Dự báo đến 2025 thiếu 24.000 giáo viên ở các môn: Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ của cấp Tiểu học và môn Nghệ thuật cấp PTTH.

Tại Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm 2021, Quảng Nam tuyển dụng 1.955 viên chức và sẽ tổ chức thi tuyển vào tháng 9 tới đây. Tuy tuyển tới 800 chỉ tiêu mầm non và tiểu học, nhưng hiện số hồ sơ đăng ký dự tuyển mới chỉ đạt hơn 300.

Lý giải việc nhiều địa phương trên cả nước đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học, ông Quốc cho hay, trước đây (trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực - PV), để trở thành giáo viên mầm non, sinh viên chỉ cần học 2 năm, sau đó có thể đi làm ngay. Tuy nhiên theo chuẩn mới, giáo viên mầm non cần phải có bằng cao đẳng (3 năm), giáo viên tiểu học phải có bằng đại học... Như vậy, thời gian học kéo dài hơn, trong khi đi làm lương thấp, công việc cực nhọc.

“Giáo viên mầm non, tiểu học phải làm việc rất cực. Nhiều thầy cô 6 giờ sáng đi làm, về đến nhà cũng đã 6 giờ tối. Thế nhưng, đồng lương giáo viên lại ít ỏi, không đủ đảm bảo xoay sở nhu cầu chi tiêu tối thiểu, nhất là đối với những người đã có gia đình, lại thêm những áp lực khác khiến người học không còn tha thiết với ngành.

Thậm chí, có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, sau đó lại lựa chọn đi làm công nhân, kế toán. Đây là câu chuyện rất phổ biến và rất đáng tiếc”, ông Quốc nói.

Còn tại Quảng Ngãi, trong năm học mới, tỉnh này thiếu hơn 1.100 giáo viên, trong đó chủ yếu ở cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.

Khó khăn này, theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, xuất phát từ điều kiện và chính sách đãi ngộ cho giáo viên còn thấp. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, các cô giáo mầm non rất vất vả để dạy học. Nếu không có tình yêu trẻ, giáo viên khó có thể vượt qua những khó khăn, áp lực để bám trụ.

Mặt khác, giờ đây, khi nâng chuẩn giáo viên, sinh viên phải mất thêm 1 năm nữa mới có thể đi làm. Nhiều em quyết định rẽ hướng sang ngành nghề khác để có mức lương cao hơn, không cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn đầu vào.

Mong nâng chuẩn có lộ trình

Năm 2020, gần 200 sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định rơi vào hoàn cảnh 'éo le' vì ra trường đúng thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (1/7/2020). Thời điểm đó, nhiều địa bàn ở Nam Định, nhiều địa phương tuyển giáo viên tiểu học nhưng yêu cầu phải có trình độ đại học theo chuẩn mới.

Không thể thi tuyển, cũng chưa đủ điều kiện để tiếp tục học liên thông lên đại học, nhiều sinh viên đành ấm ức bỏ lại chi phí và công sức 3 năm ăn học để tìm hướng đi khác.

Sau lứa sinh viên này, năm học 2020 - 2021, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định chỉ tuyển được 34 sinh viên hệ cao đẳng sư phạm mầm non.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đề nghị bổ sung nhóm giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, chuyện nâng chuẩn đúng là một yếu tố gây khó khăn cho việc tuyển dụng hiện nay. Điều này đã dẫn tới những bất cập ở địa phương là số giáo viên đang cần ngay lại không có nguồn để tuyển.

Do đó, ông Hùng kiến nghị, việc áp dụng nâng chuẩn trong tuyển dụng giáo viên cần phải thực hiện có lộ trình.

“Ví dụ, đối với giáo viên tiểu học, nếu lập tức áp dụng ngay thì gần như có rất ít giáo viên tốt nghiệp đại học để tuyển dụng, dù đang thừa chỉ tiêu. Do đó, tôi cho rằng, có thể vẫn tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng, sau đó theo lộ trình sẽ tiến hành nâng chuẩn cho giáo viên”, ông Hùng kiến nghị.

Cũng chung quan điểm, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cũng nhận định, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là cần thiết cho chương trình phổ thông mới, tuy nhiên cần có lộ trình. Hiện tỉnh Quảng Trị chủ yếu thiếu giáo viên mầm non và tiểu học các môn tiếng Anh, Tin học.

"Có những giáo viên tiểu học đã có thâm niên từ trên 10 năm, đa số nghiệp vụ và năng lực vững vàng. Thử hỏi học lên bằng đại học thì có gì khác không? Hay chỉ tốn kém tiền của và công sức. Tại sao không kiểm tra kiến thức và nghiệp vụ của họ? Tại sao không nâng chuẩn theo lộ trình tuyển dụng?" - một giáo viên đặt câu hỏi.

 Theo tìm hiểu của VietNamNet, trong thời gian qua, nhiều trường cao đẳng sư phạm đã bị sát nhập. Khoảng hơn 20 trường còn tồn tại, thì để vận hành, ngân sách nhiều tỉnh mỗi năm vẫn phải bỏ ra từ vài tỷ đến gần 20 tỷ đồng để chi lương, cơ sở vật chất... nhưng có khi chỉ tuyển được vài chục sinh viên mới và một số giáo viên học nâng chuẩn (từ trung cấp lên cao đẳng mầm non).

Nhiều ngôi trường có hàng trăm biên chế, nhiều giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng giờ trong cảnh sống lay lắt. Đó là chưa tính đến những thiệt hại, lãng phí có thể có khi các tỉnh đã đầu tư cả về vật chất, đào tạo nhân lực cho những ngôi trường này trong vài chục năm qua.

Hiện vẫn chưa có quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trong thời gian tới. Nhiều trường cao đẳng sư phạm tồn tại bằng cách mở trường mầm non, trường phổ thông liên cấp, hoặc xin cấp phép đào tạo nghề như: Kế toán, Du lịch, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hội họa, Múa dân gian... Tuy nhiên, lại có trường không thể xin được cấp phép để làm tương tự.

Nguồn https://vietnamnet.vn