Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên TP.HCM kêu khó khi dạy lớp 1 online


Giáo viên lớp 1 lo lắng khi không thể cầm tay luyện chữ cho học sinh lớp 1. Nhiều gia đình không có thiết bị cho trẻ học trực tuyến, không sắp xếp được việc học cùng con.

Những “tân binh” lớp 1 ở TP.HCM sẽ có 10 ngày để tổ chức lớp, làm quen thầy cô, cách học online trước khi chính thức bước vào năm học mới ngày 19/9. Các giáo viên cho rằng dù có thời gian chuẩn bị nhưng học sinh lớp 1 có nhiều điểm đặc thù không thể hướng dẫn qua online.

Giai đoạn đầu lớp 1 là lúc học sinh làm quen với con số, chữ cái, được giáo viên cầm tay luyện chữ. Ảnh: Cúc Hân

Dạy online cho lớp 1 từ đầu năm - điều chưa từng có

Không có ngày đầu đến trường trong vòng tay cha mẹ, được cô giáo dỗ dành, học sinh lớp 1 tại TP.HCM sẽ học online từ đầu năm học.

Cô Phạm Ngọc Hoài Ngân, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Mê Linh (quận 3), cho biết từ trước đến nay chưa khóa lớp 1 nào phải nhập học trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Các em thiếu thốn và thiệt thòi đủ bề.

Cô Ngân cho hay trong điều kiện bình thường, thời gian làm quen 1-2 tuần đầu năm học rất quan trọng đối với trẻ chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1. Đây là thời gian giáo viên tìm hiểu tính cách, thói quen của từng bạn để có cách ứng xử, dạy dỗ thích hợp. Các con được rèn ý thức, nề nếp, thời gian học tập một cách quy củ.

Nhưng năm học này, học sinh lớp 1 của TP.HCM chập chững học online ngay từ đầu năm, các em không được cô giáo trực tiếp rèn nên vai trò hỗ trợ của phụ huynh rất lớn.

“Độ tuổi của các em quá nhỏ để học online, chắc chắn giáo viên phải nhờ sự trợ giúp của phụ huynh như ngồi cạnh học với con, hướng dẫn con viết chữ. Nhưng thực tế, không thể 100% phụ huynh của lớp đều có thể hỗ trợ con mình. Qua khảo sát, các giáo viên cho biết có nhiều phụ huynh làm việc online hoặc tại cơ quan. Có gia đình đã gửi con về quê từ tháng 5, tháng 6, hiện không thể trở lại thành phố học", nữ giáo viên nói.

Mặt khác, điều kiện thiết bị học tập của mỗi gia đình khác nhau. Trường hợp gia đình có 2 con trong độ tuổi đi học, bố mẹ cũng làm việc online, không có máy để các con học. Chưa kể, sách giáo khoa hiện tại vẫn chưa đến được tay học sinh. Các trường đang thông báo cho phụ huynh xem sách trực tuyến. Như vậy, học sinh chỉ có thể xem sách trước hoặc sau buổi học, hiếm gia đình có điều kiện trang bị thêm máy tính, hoặc điện thoại để mở sách trực tuyến cho con xem song song trong giờ học.

Lớp 1 là giai đoạn giáo viên cầm tay viết chữ, hiện tại dạy học online, các con chỉ có thể xem cô hướng dẫn qua màn hình hoặc các phần mềm viết chữ, không phải em nào cũng có thể tự viết lại.

“Những em lớp 1 năm nay khi còn học mẫu giáo bị ngắt quãng, cuối năm lại nghỉ sớm, không có nhiều thời gian làm quen con số, nét chữ, tập cầm bút, sau hơn 3 tháng nghỉ dịch thì mọi thứ phải bắt đầu lại. Nếu không được hướng dẫn đúng, các em viết sai từ đầu, về sau rất khó sửa lại”, cô Ngân lo lắng.

Trước mắt, giáo viên sẽ bắt đầu liên hệ với phụ huynh lớp 1 qua điện thoại để nắm tình hình gia đình, thống nhất chuẩn bị việc học cho con, hướng dẫn cài và sử dụng phần mềm học online. Nhà trường cũng xác định sẽ có những phụ huynh không cho con tham gia học online vì thiếu sách vở, thiết bị học hay trẻ tạm thời không ở TP.HCM hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sau khi họp tổ chuyên môn, các giáo viên lớp 1 của trường Tiểu học Mê Linh thống nhất thời gian đầu dạy online, học sinh chưa bắt nhịp được nên thời lượng mỗi tiết chỉ tối đa 20 phút, thay vì 35 phút như học trực tiếp.

Trước mắt, giáo viên sẽ tập trung dạy Toán, Tiếng Việt. Nếu tình hình lớp ổn thì dạy thêm các môn phụ khác. Mỗi buổi học, trường sẽ thiết kế thời khóa biểu luân phiên giữa các môn học, các lớp với nhau.

“Nhà trường phổ biến với giáo viên việc dạy học online với tâm thế nhẹ nhàng, không tạo áp lực với phụ huynh, học sinh. Giáo viên sẽ tùy vào tình hình tiếp thu, mặt bằng chung của của học sinh trong lớp để chỉnh yêu cầu cần đạt, có thể hạ mức yêu cầu để phù hợp với thực tế dạy học. Thông thường, hai tiết học Tiếng Việt, giáo viên cố gắng cho các em học được 2-3 chữ cái thì bây giờ học online, chỉ cần dạy thật chắc một chữ. Việc dạy ít nhưng chắc chắn còn hơn dạy nhiều nhưng hiệu quả lại chẳng bao nhiêu”, nữ giáo viên cho hay.

Học sinh lớp 1 học online. Ảnh: HN

“Nhiều huynh không có tâm trí lo việc học của con”

Để chuẩn bị cho việc dạy học online, phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, cho biết nhà trường cũng phối hợp với phòng giáo dục xây dựng các video dạy học, đăng tải các thông tin hướng dẫn học online, đọc sách trực tuyến lên trang thông tin chung. Trường đã lập một nhóm giáo viên hỗ trợ nếu phụ huynh gặp khó khăn khi hướng dẫn con học.

Phó hiệu trưởng cho biết hiện nay các giáo viên lớp 1 đang liên hệ với phụ huynh theo danh sách tuyển sinh đầu vào để tìm hiểu tình hình, chuẩn bị cho việc dạy học. Giáo viên cũng động viên phụ huynh đồng hành cùng con trong việc học trực tuyến ở nhà.

“Thực tế, nhiều phụ huynh không đồng tình việc dạy online cho lớp 1, 2. Họ gửi tâm thư cho tôi mong hủy bỏ kế hoạch dạy online với lớp 1. Có những trường hợp được phân tuyến vào trường nhưng gia đình có F0 đang điều trị, họ không còn tâm trạng để đăng ký cho con học, chưa nói gì đến việc học online. Nhiều gia đình khi giáo viên gọi điện, họ cho biết giờ lo cái ăn còn chưa xong lấy đâu thời gian, tâm trí ngồi học cùng con đúng giờ”, phó hiệu trưởng kể.

Tình hình chung của thành phố hiện rất khó khăn, nhiều gia đình rơi vào cảnh túng thiếu đủ bề, có gia đình còn có F0 đang điều trị tại nhà. Chúng tôi yêu cầu giáo viên cố gắng động viên, thuyết phục cha mẹ các em. Với những gia đình không hợp tác, chúng tôi cũng không thể bắt buộc.

Nữ phó hiệu trưởng cho hay nhà trường đang gặp khó vì công tác tuyển dụng giáo viên của sở chưa hoàn thành nên chưa có nguồn bổ sung, thay thế người đã về hưu. Chưa kể, một vài giáo viên là F0 đang điều trị bệnh trong bệnh viện hoặc đã khỏi bệnh nhưng cần nghỉ ngơi. Do đó, nhà trường phải chủ động tăng cường lực lượng giáo viên tại chỗ.

Nhà trường xác định việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 lúc này “được đến đâu hay đến đó”. Nhà trường cố gắng khắc phục nhiều khó khăn để chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giáo viên, máy móc, chương trình để có thể dạy học. Nhưng ngoài sự nỗ lực của giáo viên, để dạy-học online cho những “tân binh" lớp 1, còn cần có sự hợp tác của phụ huynh.

Nguồn https://zingnews.vn