Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ, khi nào cần gặp bác sĩ?


Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên những tổn thương ở bất cứ vị trí nào của đường hô hấp như: Tai, mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính khiến hơn 4,5 triệu trẻ em trên thế giới tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh đứng đầu về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em được chia thành 2 loại:

– Viêm hô hấp trên: Bao gồm viêm nhiễm vùng tai – mũi – họng, thường do virus, nếu chăm sóc tốt thì đa số trẻ sẽ tự khỏi.

– Viêm hô hấp dưới: Bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Trong đó, viêm phổi chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Do đó, trẻ cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Nhiễm khuẩn hô hấp cần điều trị đúng cách

Cần chăm sóc đúng khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp

Khoảng 90% nhiễm khuẩn hô hấp là do virus và đa số có thể tự khỏi nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, phụ huynh nên thực hiện theo các hướng dẫn chăm sóc sau:

Khi trẻ sốt nhẹ (nhiệt độ cơ thể dao động trong khoảng từ 37. 5 độ C đến 38 độ C), cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước và ăn những thức ăn dễ tiêu hoá.

Khi trẻ sốt trên 38,50 C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cần vệ sinh mũi miệng bằng khăn mềm và nước muối 9‰.

Cho trẻ uống đủ nước và chia nhiều bữa ăn trong ngày

Nếu thấy trẻ ho, cần vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm, tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Thực hiện bằng cách khum bàn tay lại, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực.

Cho trẻ uống đủ nước và chia nhiều bữa ăn trong ngày, số lượng ít hơn bình thường và thức ăn mềm dễ tiêu, dễ nuốt, có thể bổ sung rau xanh hay trái cây với trẻ lớn và uống thêm nước hoa quả ép ở trẻ nhỏ, bù nước cho trẻ bú nhiều lần với trẻ còn bú mẹ.

Vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm giúp giảm triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp

Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi có các biểu hiện sau: 

- Trẻ sốt cao > 39 độ, sốt kéo dài không đáp ứng thuốc hạ sốt. Ho nhiều, rối loạn nhịp thở, thở khó khăn…

- Bỏ bú, bỏ ăn, nôn nhiều sau ăn.

- Rối loạn tri giác: Lơ mơ, li bì, co giật.

Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ sốt cao > 39 độ và sốt kéo dài

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp, bố mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con uống, bởi kháng sinh có thể không cần thiết cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp mà nguyên nhân là do virus. Mặt khác, việc sử dụng kháng sinh không có đơn theo chỉ định của bác sĩ, có thể gây hậu quả nghiêm trọng do không đúng liều, đường dùng và ngày dùng, dị ứng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc và tăng tình trạng đề kháng kháng sinh.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn