Mở lớp mầm non đúng 2 năm đại dịch, tôi mất trắng hơn 1 tỷ đồng Hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19 khiến nhiều chủ cơ sở mầm non tư thục điêu đứng, có nguy cơ phá sản.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh thành áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, các cơ sở giáo dục phải dừng hoạt động, khi này khốn cùng nhất là các chủ cơ sở tư thục như mầm non lâm vào hoàn cảnh “bi đát” khi phải gánh trên mình gánh nặng kinh tế.
Trọ trong một con ngõ hẻm đông đúc tại quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) là gia đình vợ chồng chị Trần Thị Duy (40 tuổi) cùng hai con nhỏ. Họ đang sống lay lắt qua ngày từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, thực phẩm từ quê nhà ở tỉnh Sóc Trăng gửi lên, để chống chọi với đại dịch Covid-19 khi thành phố đang giãn cách hơn 3 tháng nay.
Cơ sở mầm non của chị Duy trước thời điểm dịch Covid-19 ập đến. (Ảnh: NVCC)
Có nằm mơ, chị Duy cũng không thể nghĩ được rằng Covid-19 đã cướp đi của mình tất cả, sau hai năm mở cơ sở mầm non trong thời đại dịch.
Chị Duy dành dụm vốn tích lũy khi đi dạy mầm non 9 năm cùng sự hỗ trợ của gia đình, người thân để mở cơ sở mầm non tại Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau đó cơ sở ngừng hoạt động do dịch Covid-19.
Không chịu bỏ cuộc, chị Duy đăng kí kinh doanh mở cơ sở mầm non tư thục tại quận Bình Tân. Sau 6 tháng chờ đợi, cơ sở mới đi vào hoạt động vào đầu năm nay. Một ngôi nhà ba tầng khang trang nằm trong một con hẻm được chị thuê với giá 10 triệu đồng, cùng với đó là 4 giáo viên mầm non, 1 nhân viên giúp việc.
Chị Duy mở 2 lớp mầm non với khoảng 50 đứa trẻ, mỗi bé cơ sở thu khoảng 2-2,5 triệu đồng/bé. Nhưng rồi mới hoạt động được khoảng 4 tháng, dịch Covid-19 ập đến Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở của chị Duy cũng như các cơ sở khác phải dừng hoạt động để phòng chống dịch.
Lúc này, chị Duy trả hết lương cho các giáo viên, còn tiền học của các bé thì được bố mẹ đóng từ đầu tháng thì chị vẫn trả lại, bởi chị biết rằng các phụ huynh cũng đều là công nhân, lao động nghèo cũng chung cảnh ngộ như mình.
“Từ đó đến nay, chủ nhà giảm cho tôi một nửa số tiền thuê nhà. Tính ra, qua 2 năm mở lớp trong đại dịch, tôi trắng tay gần một tỷ đồng. Sắp tới, chắc tôi sẽ phải dừng hoạt động cơ sở mầm non bởi không đủ kinh tế để trụ nữa”, chị Duy than thở.
Chị Duy cho hay, chị nghe nói gia đình mình sẽ được hỗ trợ an sinh xã hội nhưng đến nay vẫn chưa có.
Tương tự tình cảnh như chị Duy, chị Trần Thị Trang (ở Hải Phòng) cũng mang gánh khoản nợ hơn 1 tỷ đồng do việc phải dừng cơ sở mầm non sau 2 năm đại dịch Covid-19.
Chị Trang cho biết, tháng 6 vừa qua, khi đại dịch ập đến, cơ sở của chị có 45 giáo viên và nhân viên phải dừng hoạt động. Sau khi chi trả lương cho mọi người, chị buộc phải cho 38 người nghỉ hẳn.
“Tôi cho mọi người nghỉ hẳn không lương, để được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp của nhà nước”, chị Trang nói.
Tuy nhiên, chị vẫn chưa chấm dứt được tất cả gánh nặng về kinh tế, bởi tiền thuê nhà, tiền vay ngân hàng… chị vẫn phải lo toan.
Chị Trang trải lòng, nếu như luật pháp cho phép các cơ sở tư thục như của chị được thiết lập quỹ rủi ro khoảng 5-10% lợi nhuận trước thuế, thì chắc sẽ đỡ được vất vả phần nào.
“Giờ chúng tôi như công nhân vậy, ráo mồ hôi tức không có học sinh là hết tiền”, chị Trang buồn bã nói.
Đến nay, chị Trang vẫn chỉ biết sửa sang lại cơ sở vật chất, phòng học để chuẩn bị cho các bé được trở lại lớp khi dịch “hạ nhiệt”.
Là một giáo viên mầm non tại phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), chị Kim Ngân cho biết, vào tháng 5 vừa qua, khi cơ sở của chị đóng cửa để phòng tránh dịch, chị liền bắt xe về quê ở tỉnh Bình Thuận trong nỗi buồn khi chủ cơ sở chưa trả hết lương.
“Không chỉ riêng tôi, mà còn có nhiều cô giáo chưa được trả hết lương. Lý do là vì phụ huynh chưa đóng hết tiền và chủ cơ sở phải chi trả nhiều khoản khác”, chị Ngân nói.
Chị Ngân cho rằng như bản thân là may mắn, bởi có những đồng nghiệp của chị giờ vẫn đang mắc kẹt tại Thành phố Hồ Chí Minh, bởi họ không nghĩ rằng đợt dịch này lại bùng phát lâu như vậy.
“Có mấy chị ở ngoài Quảng Trị, Hà Tĩnh đâu có về được, giờ họ bảo tiền trọ, tiền ăn cũng không đủ. Hàng ngày, chính quyền địa phương, tổ chức từ thiện hỗ trợ đồ ăn cùng với đồ ở quê do ba mẹ gửi lên”, chị Ngân chia sẻ.
Nguồn https://giaoduc.net.vn
|