Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non tư thục lao đao


Vì Covid-19, giáo viên mầm non ở các cơ sở tư thục phải nghỉ việc không lương. Họ phải xoay đủ nghề kiếm sống, lay lắt chờ tiền hỗ trợ.

Hơn chục năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thuỳ Dương, giáo viên trường Mầm non Vườn Trẻ Thơ (quận Hà Đông, Hà Nội), không tưởng tượng nổi có ngày phải nghỉ việc không lương như thời điểm này.

“Từ tháng 5, trường đóng cửa để phòng dịch, đồng nghĩa với việc giáo viên không có lương. Dạy trường tư, học sinh không đến lớp, trường cũng không có quỹ để hỗ trợ giáo viên nên cuộc sống rất khăn”, cô Dương nói.

Nhiều giáo viên mầm non gặp khó khăn khi dịch Covid-19 ập đến, trường học đóng cửa

Xoay đủ nghề

Theo cô Dương, trước đây, công việc vất vả từ 7h đến 18h nhưng mỗi tháng đều có thu nhập để lo cho 2 con. Chồng mất sớm, một mình cô Dương nuôi 2 đứa trẻ, một bé năm nay lên lớp 8, một bé vào lớp 6 với nhiều khoản phải chi nhưng trong tay không có một đồng tiền tiết kiệm.

Những ngày đầu nghỉ dịch, Hà Nội chưa thực hiện giãn cách, cô nhận trông một vài trẻ con hàng xóm. Khi thành phố giãn cách, cô không được nhận trông trẻ nữa.

Cô Hạ Thị Sơn, giáo viên một cơ sở tư thục ở phường La Khê, quận Hà Đông, bán nước rửa bát, nước lau sàn nhà trên mạng từ khi thất nghiệp. Hàng bán nhỏ giọt, lời lãi không nhiều.

Cô Sơn bảo dạy ở trường mầm non tư thục, dừng việc là hết tiền. Hà Nội giãn cách, công việc của chồng cũng bấp bênh nên cả nhà rơi vào thế khó. Nếu một mình có thể mì tôm qua bữa nhưng có con nhỏ phải chi tiền sữa, tiền bỉm… Cạn tiền để dành, gia đình nhỏ phải nhờ cậy đến ông bà nội đã có tuổi.

Cô mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ giáo viên trường tư phải dừng việc. Năm ngoái, công đoàn nhà trường yêu cầu giáo viên làm hồ sơ, chờ đợi, nhưng cuối cùng không được nhận trợ cấp.

“Khi còn son rỗi, mình chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề nhưng khi có gia đình, thu nhập thấp, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, mình cũng có ý nghĩ chuyển hướng kinh doanh để lo cho con có cuộc sống tốt hơn”, cô Sơn trải lòng.

Cô Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng Cơ sở giáo dục Mầm non Thành Công (quận Tây Hồ, Hà Nội), nói rằng dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến đời sống giáo viên vì dừng việc, cơ sở không có tiền để trả lương.

Cơ sở có 17 giáo viên, đến nay 1 cô đã báo nghỉ việc, những cô còn lại tâm sự không biết có trụ được với nghề để đợi ngày đón học sinh quay lại trường trở lại hay không vì quá khó khăn.

Hỗ trợ 1,5 triệu đồng

Hà Nội vừa quyết định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, hỗ trợ người lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Người được hỗ trợ đồng thời đảm bảo các điều kiện gồm: thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (tính từ 1/5 đến hết 31/12). Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Hà Nội cũng hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động có trụ sở chính tại thành phố phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên từ 1/5 đến 31/12 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch.

Đối tượng này được hỗ trợ 3 triệu đồng. Đây đều là những đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng chưa nằm trong quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.

Theo hiệu trưởng các trường mầm non, số tiền 1,5 triệu đồng hỗ trợ giáo viên trường tư nghỉ việc từ tháng 5 đến nay (ít nhất 4 tháng) là thấp so với mức sống hiện nay.

Nếu dịch còn kéo dài, đội ngũ giáo viên không bám trụ được, bỏ nghề, sau này các cơ sở khó tiếp tục hoạt động. Các cơ sở giáo dục tư thục là đối tượng chịu va đập đầu tiên khi có dịch bệnh, nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để có thể trụ vững và hoạt động trở lại.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Hà Nội, nói rằng các cơ sở giáo dục tư thục rất khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động.

Nhiều trường nói rằng họ làm mọi cách để níu chân giáo viên như: tặng gạo, mì chính, hỗ trợ 0,5-1 triệu đồng, nhưng cũng có đơn vị không còn sức để níu giữ. Công đoàn ngành giáo dục của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cũng có chính sách thăm hỏi, hỗ trợ giáo viên đặc biệt khó khăn.

“Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, các chủ nhóm lớp, trường tư thục không thể duy trì được chi phí chi trả thuê cơ sở vật chất, lương giáo viên… sẽ khó khăn khi hoạt động trở lại. Khi đó, áp lực chỗ học sẽ đổ dồn sang các trường công lập. Do đó, hy vọng dịch bệnh sớm ổn định để trẻ được tới trường, giáo viên cũng chia sẻ, đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Hương nói.

Nguồn https://zingnews.vn