Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có được phép xem TV không? Kết quả nghiên cứu này sẽ khiến nhiều người bất ngờ


 

Đối với nhiều bậc phụ huynh, việc cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ xem TV là điều cấm kị.


Có không ít phụ huynh cho rằng, TV không ảnh hưởng nhiều đến trẻ sơ sinh vì chúng còn nhỏ chưa biết gì. Nhưng trên thực tế họ đã nhầm, TV là một thứ cực kỳ hấp dẫn đối với những em bé vài tháng tuổi. Vậy một câu hỏi được đặt ra là: "Trẻ sơ sinh có nên xem TV không?".

Có một hôm, cô Trần đến nhà chị họ của mình chơi, tiện thể thăm 2 đứa cháu của mình dạo này như thế nào. Lúc đến nhà, cô thấy bé lớn thì đang ngồi ở phòng khách xem TV, bé nhỏ được 5 tháng tuổi thì đang khóc không ngừng. Thấy vậy, cô có ý định để mình bế và dỗ dành cháu, nhưng người anh họ liền nói: "Chắc là em bé muốn xem TV đây mà".


Trẻ sơ sinh có nên xem TV không? (Ảnh minh họa)

Sau khi dứt lời, anh họ cô liền bế em bé về phía TV, đặt xuống dưới đất. Em bé liền quay đầu về phía màn hình đang phát ra âm thanh và hình ảnh vui nhộn, vẻ mặt trông rất thích thú.

Cô Trần liền thắc mắc tại sao em bé nhỏ vậy mà đã cho xem TV sớm như thế. Anh họ cô liền nói: "Em bé chỉ muốn xem TV một chút thôi mà, không sao đâu em".

Nghe anh họ mình nói như vậy, cô thở dài ngao ngán và nhắc nhở không nên cho trẻ em xem TV khi còn nhỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới sự phát triển của chúng.

Trẻ sơ sinh có nên xem TV không?

Các chuyên gia giáo dục trẻ em ở Anh đã đưa ra đề xuất rằng, bố mẹ nên cấm trẻ dưới 3 tuổi xem TV và chính phủ nên xem xét điều này thành luật.

Nhiều người thắc mắc rằng, việc xem TV ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ nhỏ như thế nào mà các chuyên gia người Anh đã đề xuất thành luật như vậy. Sau khi nhìn vào kết quả nghiên cứu dưới đây, bạn sẽ công nhận rằng điều đó chẳng có gì là quá đáng.


Có rất nhiều tác hại khi trẻ xem TV. (Ảnh minh họa)

Các nhà khoa học đã tiến hành một thử nghiệm, họ chọn ngẫu nhiên một số đứa trẻ và chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 sẽ được nghe kể về câu chuyện: "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn", nhóm 2 sẽ được xem phim hoạt hình. Sau khi nghe và xem xong câu chuyện, trẻ cần phải vẽ lại chân dung của Bạch Tuyết.

Kết quả cho thấy, trẻ ở nhóm 1 vẽ nàng Bạch Tuyết khác xa với nguyên mẫu về hình dáng, trang phục, nét mặt. Trong khi đó, trẻ ở nhóm 2 vẽ gần như giống hệt nguyên mẫu nàng Bạch Tuyết mà chúng thấy trên TV. Sau một thời gian, các chuyên gia tiếp tục yêu cầu 2 nhóm trẻ này vẽ lại lần nữa. Bức vẽ của trẻ ở nhóm 1 có một số thay đổi mới, do các em tưởng tượng thêm, còn trẻ ở nhóm 2 vẫn vẽ giống hệt lần trước.

Thử nghiệm này đã chỉ ra một điều rằng, việc xem TV đã "bóp nghẹt" trí tưởng tượng của trẻ, hoàn toàn không tốt đối với một đứa trẻ. Bên cạnh đó, đối với trẻ sơ sinh vài tháng tuổi, việc xem TV cũng có tác động rất lớn. Trẻ sơ sinh có thể nhìn chằm chằm vào màu sắc tươi sáng và những chuyển động trên màn hình, nhưng não bộ không có khả năng hiểu được tất cả những ý nghĩa của những hình ảnh trên TV.

Não bộ của một đứa trẻ kể từ lúc mới sinh ra cần đến 18 tháng phát triển mới hiểu và nhận biết được một số hình ảnh trên màn hình là có thật trong đời sống thực.

Điều quan trọng nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ biết đi là sự tương tác trực tiếp với mọi thứ xung quanh. Chúng cần chạm, lắng nghe giọng nói, cử chỉ ôm ấp với những người mình yêu thương thay vì trò chuyện thông qua video với ông bà, bố mẹ ở xa. Các ứng dụng cho phép trẻ chạm và vuốt trên màn hình, tương tác với những thứ có trong đó. Thế nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những kỹ năng này không thể chuyển thành việc học trong thực tế.

Tác hại của việc cho trẻ xem TV thường xuyên là gì?

- Làm suy yếu khả năng tư duy và hạn chế trí tưởng tượng của trẻ

Một trong những lý do khiến TV được nhiều trẻ em yêu thích đến vậy là do nó có hình ảnh và âm thanh rất trực quan, sống động, khiến não bộ không cần phải hoạt động nhiều. Điều này dẫn tới việc nó có thể làm suy yếu khả năng tư duy và hạn chế trí tưởng tượng của trẻ.


- Cản trở sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ

Khi một đứa trẻ ngồi xem TV, chúng rất ngoan ngoãn, đây có lẽ là điều mà bố mẹ nào cũng muốn. TV giống như một "bảo mẫu" có thể khiến một đứa trẻ ngồi yên lặng suốt 2 tiếng đồng hồ mà không nghịch phá gì cả.

Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng, kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ của một đứa trẻ được hình thành thông qua việc rèn luyện giao tiếp liên tục, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dưới 1 tuổi. Trong khi đó, TV chỉ liên tục phát ra âm thanh từ một phía, trẻ không thể giao tiếp ngược trở lại. Những đứa trẻ xem TV quá nhiều thường bị hạn chế về mặt ngôn ngữ.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thông thường bố mẹ sẽ nói khoảng 940 từ mỗi giờ khi trẻ mới biết đi. Thế nhưng khi cho trẻ xem TV, con số này đã giảm xuống còn 770 từ. Điều này có nghĩa là việc bố mẹ nói ít hơn sẽ khiến trẻ chậm nói.

- Làm giảm sự chú ý của trẻ

Nhiều bố mẹ nhận thấy con mình không thể tập trung trong giờ học, nhưng lại rất hiếu động trong lớp.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sóng điện từ do TV phát ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chú ý của trẻ. Hình ảnh trên TV chuyển đổi liên tục khiến não bộ của trẻ tiếp nhận một cách thụ động và không thể suy nghĩ. Đây đều là những yếu tố kìm hãm sự chú ý của trẻ.


- Ít tương tác với người khác, khả năng giao tiếp kém

Khi một đứa trẻ quá yêu thích việc xem TV, chúng sẽ ít giao tiếp với các thành viên trong gia đình và những người khác. Trong tương lai, những đứa trẻ này sẽ có kỹ năng giao tiếp kém, bị hạn chế rất nhiều trong việc tương tác với người khác.

Chú ý
Trẻ em vẫn có thể được xem TV nếu có sự kiểm soát của bố mẹ và cần chú ý một số điều sau:

- Không cho trẻ dưới 1,5 tuổi xem TV.

- Trẻ em trên 1,5 tuổi không được xem TV quá 2 tiếng mỗi ngày.

- Trẻ em trên 3 tuổi không nên xem TV liên tục hơn 1 tiếng.

- Bố mẹ cần chọn lọc nội dung các chương trình trên TV phù hợp với trẻ, tốt nhất là nội dung mang tính giáo dục

Nguồn: Sohu, Healthychildren