Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bộ GD&ĐT: Học sinh lớp 1 học chương trình mới nổi trội hơn


Bộ GD&ĐT đánh giá học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các khóa đã học chương trình 2006. Các em mạnh dạn, tự tin, biết nêu quan điểm cá nhân.

Đánh giá này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học

Bộ GD&ĐT đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình mới có một số mặt nổi trội hơn lứa học chương trình 2006. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang

Học sinh lớp 1 tự tin, đọc thông viết thạo

Theo Bộ GD&ĐT, tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.

Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ I, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ II.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề cao tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Kế hoạch dạy học môn học lớp 1 được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và trình độ học sinh. Sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Quá trình dạy học, với ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn đã trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống, giảng dạy cho học sinh.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa thực hiện các giải pháp để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng. Theo đó, sách giáo khoa lớp 1 của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh diều có một số chỉnh sửa, được hiệu đính.

Đối với các lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, nội dung chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt các môn học bắt buộc, được rà soát theo hướng tinh giản nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt, trùng lặp, tích hợp một số nội dung.

Bộ cũng ban hành công văn hướng dẫn thực hiện kế hoạch giáo dục lớp 5 học kì II năm học 2020-2021 để chuẩn bị cho chương trình lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, với công tác phổ cập giáo dục, dạy học tiếng dân tộc thiểu số và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%.

Ở những vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, các trường căn cứ số lượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất đã tổ chức dạy học lớp ghép với số lượng học sinh và trình độ đảm bảo đúng quy định.

Năm học 2020-2021 chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19. Ảnh: Y Kiện

Triển khai năm học trong điều kiện khó khăn

Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021 là lần đầu tiên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9. Học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nề nếp, môi trường học tập như các năm học trước.

Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phươngphải cho học sinh tạm dừng đến trường vì dịch. Thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Trong bối cảnh khó khăn, khác biệt, ngành giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, giáo dục phổ thông 2006 với các lớp 2, 3, 4, 5.

Bộ GD&ĐT ban hành nhiều thông tư, văn bản kế hoạch, công văn, để kịp thời hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, trong đó tập trung triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Bộ đánh giá các tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với thực tiễn địa phương.

Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 (0,75%) phòng.

Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27.

Hiện nay, toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp tiểu học, tăng 6.140 so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

5 nhiệm vụ cho năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận năm học vừa qua ghi nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục tiểu học. Việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đều, đặc biệt ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Số lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ, chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một số địa phương gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, có nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên.

Cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và nhu cầu phục vụ học tập khác.

Từ đó, giáo dục tiểu học đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể cho năm học 2021-2022.

Trong đó, cấp học này sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2006 từ lớp 3 đến lớp 5.

Cấp học cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đặc biệt môn Tin học, môn Ngoại ngữ, đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Việc rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học là nhiệm vụ vẫn được chú trọng thực hiện.

Song song với đó là tăng cường cơ sở vật chất, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Năm học 2021-2022, giáo dục tiểu học đặt ra 2 nhiệm vụ mới. Công tác quản lý, quản trị trường học cần đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.

Nhiệm vụ thứ hai là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với cấp tiểu học. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh cần chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học.

Cấp học tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp, sẵn sàng tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp học sinh phải tạm dừng đến trường.

Nguồn https://baomoi.com