Dạy trẻ chữa “bệnh nói dối”: Thử đặt mình vào vị trí của con
Nói dối thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức và hành vi đạo đức của con khi lớn lên.
Trẻ có xu hướng nói dối khi lớn hơn. Ảnh minh họa.
Chắc hẳn, bất kỳ phụ huynh nào cũng không muốn con mình nói dối. Song, sự thật đáng buồn là, càng lớn, trẻ càng nói dối nhiều. Đặc biệt, nhiều trẻ nói dối nhằm “tẩy trắng” lỗi lầm vì sợ bị cha mẹ phạt.
Đặt mình vào vị trí của con
Nói dối là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em. Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà mức độ nói dối cũng khác nhau. Nếu cha mẹ không kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, có cách “hóa giải” đúng, thói quen nói dối sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.
Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thuý Trinh - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) nhận định, một trong những điều khiến cha mẹ phiền lòng nhất là khi trẻ nói dối. Hầu như tất cả cha mẹ đều cố gắng dạy con thành thật và trung thực. Khi một đứa trẻ nói dối, dường như phụ huynh sẽ nhận những đánh giá tiêu cực về khả năng làm cha mẹ.
“Nhiều bậc cha mẹ thất vọng với những lời nói dối, hơn là tìm hiểu điều gì phía sau. Nếu chúng ta gặp phải vấn đề này với con, hãy nhớ rằng, cách suy nghĩ của một người sẽ tiến hóa theo thời gian”, bà Thúy Trinh chia sẻ.
Theo đó, phụ huynh cần hiểu, nếu đánh giá một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên theo cách chúng ta nghĩ, có thể sẽ đưa ra kết luận sai lầm. Điều quan trọng là hãy suy nghĩ như trẻ em hoặc thanh thiếu niên làm. Sau đó, cha mẹ có thể điều chỉnh lời nói của mình.
“Có những hành động bạn có thể thực hiện với trẻ em ở mọi lứa tuổi để loại bỏ sự giả dối và dạy trẻ thành thật. Giả sử bạn nghe thấy một tiếng động mạnh trong phòng nên bước vào đó, bạn thấy con đang đứng cạnh một chiếc bình vỡ và tay nó thì đang cầm quả bóng chày. Hầu hết các bậc cha mẹ sẽ hỏi kiểu như: Chuyện gì đã xảy ra vậy con?”, chuyên gia lấy dẫn chứng.
Tuy nhiên, khi rơi vào tình huống này, phụ huynh được gợi ý nên xem xét các lựa chọn theo cách nhìn nhận của một đứa trẻ. Cụ thể, đứa trẻ có thể nói sự thật và sẽ bị trừng phạt. Hoặc, trẻ sẽ nói mình không biết gì cả và hy vọng rằng, cha mẹ sẽ tin con. Do đó, sự lựa chọn của trẻ là giữa 100% khả năng bị phạt hoặc 50% cơ hội “thoát nạn”.
Thay vào đó, nữ chuyên gia cho rằng, cha mẹ có thể nói với con những câu như: “Con đã làm vỡ chiếc bình khi chơi trong nhà. Hình phạt của con là rửa hai nhà vệ sinh và lau chùi hai cửa sổ. Tuy nhiên, nếu con muốn xin lỗi và nói cho mẹ biết những gì con sẽ làm thay vào đó, con chỉ phải rửa một nhà vệ sinh và lau chùi một cửa sổ”.
Khi đó, tình thế sẽ được đảo ngược. Trẻ sẽ nhận lỗi. Theo bà Thuý Trinh, việc tự nhận lỗi bằng lời nói sẽ khuyến khích trẻ học cách đánh giá tình huống, cảm nhận từ bên trong. Đồng thời, nói ra lời xin lỗi mà không phải do ai ép buộc. Khi đó, trẻ cần nói lên sự thật để nhận một hình phạt nhẹ hơn. Điều này cũng có nghĩa là cha mẹ đã dạy con nói sự thật khi trẻ làm điều gì đó sai. Nhờ vậy, trẻ sẽ có khả năng làm điều này một cách tự nhiên khi con mắc lỗi.
Ảnh minh họa
Những kiểu nói dối phổ biến
Trong khi đó, chuyên gia tư vấn phụ huynh Nguyễn Tú Anh cho biết, hai vấn đề “con nói dối” và “hù doạ con” tưởng như là không liên quan. Tuy nhiên, thực tế, chúng có mối quan hệ nguyên nhân và hệ quả mật thiết.
Điều hiển nhiên là hầu hết phụ huynh không muốn con mình nói dối. Song, sự thật đáng buồn là, càng lớn, trẻ càng nói dối nhiều. Đôi khi, trẻ có thể nói dối “trắng trợn” khiến người lớn không thể ngờ.
“Câu hỏi đặt ra là: Trẻ nhỏ nói dối có phải do lỗi của người lớn, do cha mẹ dạy con chưa tốt không? Có nhất thiết phải làm mọi cách để ngăn chặn tận gốc việc nói dối của con không?”, bà Tú Anh nêu vấn đề.
Bà liệt kê 3 kiểu nói dối thường gặp ở trẻ. Theo đó, dạng đầu tiên phổ biến nhất là nói dối để che giấu lỗi lầm, từ lỗi nhẹ đến nặng. Bà đặt câu hỏi: Liệu có phải vì con hay bị la mắng, khiển trách và kỷ luật quá nhiều? Điều đó dẫn đến việc về sau, bất cứ khi nào phạm lỗi dù là nhỏ, trẻ cũng hình thành phản xạ nói dối để được “yên thân”?
“Dạng thứ hai là những lời nói dối vô hại (White lies) - nói dối để làm vừa lòng, thoả mãn cảm xúc của người nghe. Những lời nói dối kiểu này con không tự nhiên biết sáng tác ra, mà học được từ người lớn trong các giao tiếp xã hội. Ví dụ phổ biến: Ở văn hoá châu Á, chúng ta được dạy phải biết khiêm tốn, khiêm nhường. Nếu có lỡ xuất sắc hay giỏi giang quá thì cũng không nên nhận hết về mình, vì như vậy là tự kiêu, tự đắc. Cố gắng đừng trở nên quá khác biệt hay quá nổi bật trong một tập thể”, bà Tú Anh nói.
Theo bác sĩ Kang Lee thuộc Đại học Toronto – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý nói dối ở trẻ nhỏ - dạng nói dối thứ ba gọi là Blue lies. Đây là kiểu nói dối vì bầy đàn, với mục đích che giấu sự thật vì lợi ích chung của tập thể.
Bà Tú Anh lấy ví dụ, trường tổ chức thi đánh cờ, đội của con có một bạn ăn gian nhưng cuối cùng cả đội đã thắng cuộc. Thay vì thú nhận sự thật với trọng tài hay đối phương, con chọn im lặng luôn với lí do chiến thắng và sự cố gắng của toàn đội.
Cha mẹ không nên giải thích khi con nói dối. Ảnh minh họa
Giải thích không mang lại hiệu quả
“Nói dối không phân biệt trình độ, giai cấp hay địa vị xã hội, văn hoá hay tôn giáo. Dù gia đình dễ dãi hay nghiêm khắc, thì ai cũng nói dối ít nhiều trong đời, để che giấu lỗi lầm của bản thân. Tính khí của con trẻ (ôn hoà, nhạy cảm, cáu kỉnh…) cũng không quyết định việc con nói dối nhiều hay ít”, bà Tú Anh nhấn mạnh.
Lý giải về yếu tố quyết định việc nói dối của trẻ nhỏ, bà cho biết, trước hết, đó là sự phát triển não bộ và nhận thức của con (Theory of Mind). Khi nhỏ, con chỉ biết A là A và B là B. Tuy nhiên, khoảng từ 2 tuổi trở lên, con dần hình thành được ý niệm là: Nếu con biết cha mẹ không biết về sự việc A, con có thể nói dối để nó thành B và làm cho phụ huynh tin. Đây là một bước tiến về nhận thức của trẻ bắt đầu từ độ tuổi lên 2. Một số trẻ biết nói sõi đã bắt đầu biết “nói xạo”.
Ngoài ra, yếu tố khác là sự phát triển về kiểm soát hành vi của con (Executive Functioning). Theo đó, khi càng lớn, khả năng kiểm soát hành vi của con ngày một tốt hơn. Con có thể điều khiển được nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, biết diễn đạt và thể hiện tốt hơn. Càng khôn hơn, con càng sớm biết nói dối. Thậm chí là nói dối giỏi hơn.
“Người lớn chúng ta thường đánh đồng rằng, nói dối là xấu, là hư, là không tốt. Nhưng khoa học bảo rằng, trẻ càng thông minh, lanh lợi thì càng hay nói dối. Một em nhỏ không nói dối tí nào, hẳn là có vấn đề gì đó”, bà Tú Anh dẫn chứng.
Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng khi con nói dối. Tuy nhiên, thực tế, bà Tú Anh cho biết, tình trạng trẻ nói dối là hết sức bình thường.
“Với hành vi nói dối để che đậy lỗi lầm của bản thân, có 30% trẻ 2 tuổi sẽ nói dối, 50% trẻ 3 tuổi sẽ nói dối, và tới 4 tuổi thì 80% trẻ sẽ nói dối. Từ 4 tuổi trở đi thì hầu như trẻ em nào cũng biết nói dối”, chuyên gia nêu.
Trong khi đó, với kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu, bác sĩ Lee cho biết, chỉ có khoảng 50% số lần cha mẹ phát hiện con mình nói dối.
“Việc cha mẹ có phát hiện được con nói dối hay không “hên - xui” như thẩy đồng xu. Bản chất việc nói dối ở trẻ nhỏ không xấu, nếu xét về phương diện phát triển nhận thức của con”, bà Tú Anh nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc con nói dối nhiều và cha mẹ không kiểm soát được sự thật sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Bởi, bản thân con vẫn là một đứa trẻ, chưa hiểu biết hết các khái niệm về an toàn, nguy hiểm, rủi ro, hay nguy cơ bị xâm hại. Nếu hành vi nói dối diễn ra quá nhiều, quá lâu và thường xuyên, tình trạng đó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức và hành vi đạo đức của con khi lớn lên. Trẻ có thể trở thành người thích gây sự, trộm cắp và có các hành vi phạm pháp khác.
Khi con nói dối, chuyên gia Tú Anh khuyến khích, cha mẹ không nhất thiết phải ngồi giảng giải với trẻ về tầm quan trọng của việc trung thực, hay tác hại của việc nói dối. Việc giải thích này hoàn toàn không có tác dụng gì cả. Thậm chí, việc kể chuyện chú người gỗ Pinocchio mũi dài, hay chú bé chăn cừu cũng là điều vô ích.
Thay vào đó, để khuyến khích con nói thật, cha mẹ không nên trừng trị nặng nề khi phát hiện trẻ nói dối. Bởi, càng sợ hãi, bản năng tự bảo vệ và che giấu lỗi của con càng tăng cao. Từ đó, con sẽ càng nói dối nhiều hơn.
“Chính cha mẹ và người lớn trong nhà phải thể hiện bản thân luôn nói thật trước mặt con. Hãy chủ động nhận lỗi khi mình mắc sai lầm (làm đổ nước, làm vỡ ly chén...) để con biết rằng ai cũng mắc lỗi và phải biết rút kinh nghiệm. Hạn chế mắng mỏ to tiếng ngay khi con làm sai. Con cũng có quyền được mắc lỗi và cần học cách rút kinh nghiệm, cùng cha mẹ dọn dẹp sau khi mắc lỗi”, bà Tú Anh gợi ý.
Bên cạnh đó, khi phát hiện con nói dối, phụ huynh cần truyền đạt thông điệp như: “Cha mẹ biết con đang nói không thật đó nhé”. Tuy nhiên, cần truyền đạt bằng những cách nhẹ nhàng, tích cực và sáng tạo nhất có thể.
Chuyên gia này cho biết, đối với con nhỏ, cha mẹ hãy thể hiện thật vui vẻ, có thể pha chút trêu ghẹo trẻ. Trong khi đó, với lứa tuổi lớn dần, phụ huynh hãy truyền cho con thông điệp là nói dối không làm cho mọi việc tốt hơn. Đối với trẻ từ khoảng 4 tuổi trở lên, phụ huynh có thể yêu cầu con hứa sẽ luôn luôn nói thật với cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ có thể đọc những câu chuyện đề cao sự thành thật như truyện “George Washington and the cherry tree” (George Washington và cây cherry).
Bà Tú Anh nhấn mạnh, người lớn không nên hù doạ và mang đến cho con những nỗi sợ không có thật.
“Vì đến một ngày khi con có đủ nhận thức để hiểu rằng người lớn rất hay nói dối, con sẽ nghĩ rằng mình cũng có quyền nói dối y như vậy!”, chuyên gia nhận định.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn
|