Giáo viên mầm non chuyển nghề đánh máy, bán hàng online để tăng thu nhập
Sau khi tham khảo nhiều nhóm tìm việc trên mạng, cô giáo Bùi Thị Hương Lan (Hà Nội) với 6 năm làm nghề trông trẻ đã chọn công việc đánh máy thuê, bán hàng thời trang online để có thêm thu nhập.
Nhiều tháng qua, việc nghỉ học kéo dài để chống dịch Covid-19 không chỉ khiến học sinh ở các cơ sở mầm non tư thục gặp khó khăn mà giáo viên cũng phải vất vả mưu sinh, tìm thêm công việc để trang trải cuộc sống.
Chọn cách làm thêm online
Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, với vị trí quản lý kiêm giáo viên đứng lớp tại một trường mầm non tư thục ở Cầu Giấy (Hà Nội), thu nhập của chị Bùi Thị Hương Lan đạt khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian nghỉ dạy do Covid-19, chị được hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền không đủ sống, chị Bùi Thị Hương Lan đã quyết định chuyển nghề để có thêm thu nhập cho gia đình và trả tiền thuê trọ.
Cô giáo Bùi Thị Hương Lan làm quen với công việc đánh máy thuê (Ảnh: NVCC)
Sau khi tham khảo hàng chục nhóm tìm việc làm, từ cuối tháng 5, cô giáo có hơn 6 năm thâm niên với nghề này đã quyết định chọn công việc đánh máy thuê và bán hàng online cho một cửa hàng thời trang.
"Công việc mới này chỉ được 2-3 triệu đồng. Bố mẹ khuyên tôi nếu tháng 9 vẫn không được đi dạy lại thì về quê tìm việc làm công nhân, ít nhất là bớt được chi phí thuê phòng, tiền ăn uống rẻ hơn" - chị Bùi Thị Hương Lan chia sẻ.
Cũng khó khăn do Covid-19, chị Nguyễn Thị Huyền Chang, giáo viên tại Trường mầm non Xa La (Hà Đông) đã nhiều lần phải nghỉ dạy, mất thu nhập qua các đợt giãn cách xã hội. Chị chưa từng nghĩ nghề dạy trẻ mầm non lại rơi vào bế tắc như vậy.
Trước khi dịch bùng phát, 2 vợ chồng chị có tổng thu nhập mỗi tháng từ 13-15 triệu đồng, tạm thời đủ trang trải cuộc sống và 2 con nhỏ.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Chang (Ảnh: NVCC)
Đợt giãn cách từ đầu tháng 5 vừa rồi, chị lên mạng học theo các giáo trình luyện chữ rồi tự mở lớp luyện chữ online. Học viên mà chị hướng đến là các giáo viên mầm non, tiểu học. Chị tạo nhóm kín trên Facebook và đăng tải các video hướng dẫn luyện chữ đồng thời giao bài tập và chấm điểm.
Chị tự làm bộ đồ học tập gồm: Học phí, giáo trình, bút máy, cẩm nang luyện chữ và bán cho học viên với mức phí là 150.000 đồng. Mỗi khóa học gồm 10 buổi.
Từ thông tin lớp học trên Facebook cá nhân và các hội, nhóm trên mạng, nhiều bạn bè thấy vậy chia sẻ giúp chị để thu hút học viên. Hiện nay, lớp của chị đã có hơn 40 người.
Chủ trường cũng "kiệt sức"
Thời gian gần đây, số lượng giáo viên mầm non tư thục tại các cơ sở ở Hà Nội có nhu cầu tìm kiếm việc làm đang có xu hướng tăng lên. Trên các diễn đàn trao đổi thông tin, mỗi ngày, có đến hàng chục bài đăng tìm kiếm việc làm của các giáo viên.
Những việc làm đang được nhiều người tìm kiếm thường là bán hàng online, dịch sách, đánh máy thuê… Đó là những công việc không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm. Thu nhập từ những công việc này không cao, nhưng với các giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ dạy, đây là số tiền cần thiết để trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, ăn uống và đi lại.
Trường mầm non song ngữ Anh Mỹ Global khi hoạt động đã tạo việc làm cho nhiều giáo viên mầm non (Ảnh: NVCC)
Không chỉ giáo viên, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục cũng phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là những đơn vị tự chủ tài chính nên khi phải dừng hoạt động đồng nghĩa với không có nguồn thu. Dù vậy, họ vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng hàng tháng và hỗ trợ tiền cho các giáo viên, nhân viên trường.
Chị Nguyễn Kim Oanh, chủ trường mầm non song ngữ Anh Mỹ Global (Mỹ Đình) luôn phải lấy tiền túi bù lỗ sau 2 năm thành lập. Đóng cửa trường bởi giãn cách, chị vẫn phải chi trả hàng tháng với chi phí lớn nhất, chiếm 70% để duy trì là tiền thuê mặt bằng và lương. Chưa kể, chị đã mua bản quyền chương trình học của Phần Lan với giá cao và sắp phải đóng tiền gia hạn một năm nữa.
Chị mở 2 cơ sở, tiền thuê mặt bằng tổng là hơn 200 triệu đồng. Lần đóng cửa trường đầu tiên vào năm ngoái, chị được chủ đất giảm 50% tiền thuê mặt bằng nhưng cũng không đáng kể.
"Lúc đó không thu được tiền học, tôi còn có tiền lãi từ các tháng trước để bù sang. Đến đợt giãn cách này, tôi gần như kiệt quệ" - chị Nguyễn Kim Oanh nói.
Dù đã gần "cạn" kinh phí dự trữ nhưng nhà trường vẫn hỗ trợ các giáo viên và công nhân mức 300.000-500.000 đồng/người, tổng số là 25 người. "Nếu dịch cứ tiếp tục như vậy, tôi không biết phải xoay sở ra sao" - chị nói thêm.
Trước đây, trường hợp xấu nhất chị Nguyễn Kim Oanh tính đến là sang nhượng cửa hàng. Nhưng với tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay, khó tìm được người tiếp nhận.
Nhiều giáo viên của trường không có lương đi dạy nên đang cân nhắc giữa ở lại Hà Nội và về quê. Chị Nguyễn Kim Oanh mong dịch sớm được kiểm soát và hoạt động của trường trở lại với đầy đủ nhân sự.
Nguồn https://dantri.com.vn
|