Nóng nực cảnh giác với viêm da mủ ở trẻ
Viêm da mủ thường gặp ở trẻ có vệ sinh kém, nếu không được điều trị và chăm sóc tốt sẽ lan nhanh sang các vùng da lành khác. Có thể gây chốc hóa, viêm nang lông, nhọt và chuyển thành viêm mô tế bào rất nguy hiểm.
Vì sao trẻ em dễ viêm da mủ?
Viêm da mủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhưng ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, làn da mỏng manh cùng hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên các loại vi khuẩn dễ nhanh chóng sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh viêm da mủ cho trẻ.
Thời điểm viêm da mủ ở trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm mạnh mẽ nhất là khi cơ thể suy yếu, môi trường ô nhiễm, tình trạng vệ sinh kém, da bị tổn thương… đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm là yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh bệnh.
Ngoài ra, tổn thương da có từ trước cũng là yếu tố dễ gây viêm da mủ. Béo phì; điều trị steroids và các thuốc hóa trị; rối loạn globulin trong máu, rối loạn bạch cầu trong bệnh ung thư máu hoặc u hạt mạn tính; đái tháo đường… cũng là các yếu tố thuận lợi để bệnh viêm da mủ ở trẻ em xuất hiện.
Viêm da mủ ở trẻ thường xuất hiện nhiều vào mùa nắng nóng.
Tổn thương viêm da mủ
Viêm da mủ là tình trạng da bị viêm, xuất hiện các nốt mụn to, sưng đỏ, bên trong có mủ. Do da là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn, tạp khuẩn thường ở những vị trí nhiều lông, vùng da có nếp gấp như: cổ, nách, bẹn… lỗ chân lông to, tiết nhiều dầu hoặc có nhiều bã nhờn.
Viêm da mủ không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn khiến trẻ đau nhức quấy khóc… Nếu trẻ bị viêm da mủ không được điều trị sớm và đúng cách, trẻ có thể phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng về ngoại hình, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng…
Tổn thương viêm da mủ ở trẻ khi tắm nước lá theo mách bảo
Khi trẻ bị viêm da mủ cha mẹ nên làm gì?
Khi bị viêm da mủ, trẻ sẽ bị đau, rát và ngứa. Do đó, việc chăm sóc cho trẻ cần hết sức cẩn trọng. Việc đầu tiên, khi trẻ có các dấu hiệu ban đầu của viêm da mủ, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Tiếp theo, cho trẻ mặc những bộ quần áo mỏng và rộng rãi. Hằng ngày, giữ gìn vệ sinh thân thể của trẻ sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, lau khô người bằng các loại khăn mềm. Hạn chế để trẻ gãi, cọ xát vào các vùng da đang bị tổn thương.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng các loại Vitamin, chế độ ăn uống đa dạng, nhiều rau củ và trái cây.
Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá hay tắm các loại lá cây theo mách bảo dẫn đến bội nhiễm nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn
|