Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thay đổi ngay quan niệm “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”


 

Từ xưa, chuyện nuôi dạy con cái được coi là nhiệm vụ đặc thù của phụ nữ. Tuy nhiên, với thực tế đời sống ngày nay, cần thay đổi góc nhìn và trách nhiệm nuôi dạy trẻ trong mỗi gia đình. 

Ảnh minh họa. Nguồn: INT

Tại anh, tại ả

“Cứ cái hay, cái tốt thì có khi chưa nhắc đến mẹ nhưng hễ con cái sai hỏng đâu là lại đổ lên đầu mình” – chị Minh Hằng (Thái Bình) bỗng tăng âm lượng khi đang “buôn” với mấy người bạn thân về chuyện dạy dỗ con cái.

Chủ đề “quy trách nhiệm” trong nuôi dạy trẻ được nhiều chị em quan tâm và dành nhiều thời lượng mỗi khi có dịp tâm sự chuyện gia đình.

“Con bé 5 tuổi đến nhà bạn đòi đồ chơi mang về, không được, lăn đùng ra ăn vạ mà bố nó cũng bảo do mẹ chiều quá sinh hư. Bé lớp 2 lóng ngóng làm rơi đồ cũng do mẹ không dạy con làm nên nó không quen. Con chưa nghe lời, ngủ dậy muộn, mùng màn không gọn gàng… cũng là do mẹ tất. Nhiều khi áp lực và khó chịu thực sự với những quy chụp kiểu như thế giới chỉ có mình mẹ với con vậy”, chị Hằng chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Mạnh Linh - Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology: Trong nuôi dạy trẻ, các cụ xưa có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” nhưng sự quy chụp đầy màu sắc phong kiến ấy không còn phù hợp trong thời đại ngày nay khi vấn đề bình đẳng giới được coi trọng, vai trò của người phụ nữ được nâng cao. Người phụ nữ trong gia đình không chỉ lo mỗi việc bếp núc, con cái mà cũng tham gia công tác xã hội, lao động kiếm tiền, vun vén tổ ấm và cùng đàn ông “xây nhà”.

Không thể phủ nhận, trong giáo dục con cái, vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng. Dân gian cũng có câu “mẹ nào con nấy” để khẳng định sức ảnh hưởng mang tính quyết định từ cách dạy dỗ, uốn nắn con của các bà mẹ. Người bà trong nhà cũng là người có nhiều thời gian gần gũi, vì thường hỗ trợ các con trông nom các cháu.

Tâm lý chung, bà luôn muốn thể hiện tình yêu thương dành cho các cháu nhưng quá cữ sẽ gây tác dụng ngược, dẫn đến đứa cháu sinh hư, hay mè nheo, vòi vĩnh, thậm chí không còn nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ. Dần dần theo thời gian, đứa trẻ sẽ có xu hướng cậy vào uy thế của bà để chống đối lại ngay cả cha mẹ chúng. Tuy nhiên, trong gia đình không chỉ có mẹ và bà mà môi trường sinh hoạt của trẻ còn có bố, có ông và các anh chị em khác.

“Vấn đề đặt ra là, cần phấn đấu tới sự hài hòa và thống nhất trong phương pháp giáo dục trẻ. Đặc biệt, người lớn tránh đổ lỗi cho nhau khi thấy trẻ mắc lỗi. Bởi điều này không giúp ích gì cho trẻ lại khiến hoà khí gia đình thêm ngột ngạt. Người bố cần ý thức được vai trò quan trọng của mình trong việc nuôi dạy con cái, không buông trách nhiệm lên vai vợ.

Thực tế cho thấy, những đứa trẻ trong gia đình có bố quan tâm, thể hiện được tình cảm và trách nhiệm thường nhạy cảm và ý tứ hơn. Những ảnh hưởng từ cách bố đối xử với mẹ, phái mạnh với phái yếu khiến con gái sẽ thấy được nâng niu và con trai sẽ mạnh mẽ và biết chở che cho người khác. Và dĩ nhiên, không thể có những đứa trẻ hư trong gia đình như vậy” – chuyên gia Mạnh Linh nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: INT

Để có những đứa con ngoan

Theo ông Trịnh Trọng Dương - chuyên gia huấn luyện và phát triển con người, Công ty Giáo dục và Đào tạo True Success: Trong độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách, trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai thường xuyên tiếp xúc với chúng nhất, không kể bố hay mẹ.

Quan niệm “con hư tại mẹ”, có thể xuất phát từ tư duy phong kiến, việc dạy con được trao hết cho người phụ nữ, người phụ nữ lại cứ ru rú ở nhà, ít được tiếp xúc, ăn học nên việc dạy con không tốt. Chế độ nam quyền, người cha nghiễm nhiên hưởng hết những gì tốt đẹp.

Theo chuyên gia Trịnh Trọng Dương: Việc nuôi dạy con cái thời nay, cả cha và mẹ đều có vai trò quan trọng như nhau, và không thể khuyết thiếu. Các con, cả trai lẫn gái đều có nhu cầu nam tính từ người cha, nữ tính từ người mẹ.

Cùng với chia sẻ công việc trong gia đình, cha mẹ cũng cần chia sẻ trách nhiệm trong nuôi dạy con cái. Mỗi người phát huy thế mạnh về giới tính (cha: Mạnh mẽ, dũng cảm, quyết đoán, kiên cường...; mẹ: Yêu thương, bao dung, chia sẻ, quan tâm...), tính cách, kiến thức, kỹ năng... của mình để ảnh hưởng tốt tới các con.

Trong gia đình, trẻ sẽ ảnh hưởng và có xu hướng giống người chiếm được cảm xúc, trái tim của mình nhất, dành tình yêu thương, sự quan tâm cho mình nhất. Con là sản phẩm hòa chung của cả cha lẫn mẹ, bởi vậy cha mẹ hãy thống nhất phương pháp thì con mới được nuôi dạy tốt nhất.

Nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ quan điểm về trách nhiệm của cha mẹ những đứa con chưa ngoan: Trẻ con hư không phải lỗi tại chúng, lỗi tại người đẻ ra mãi không chịu thành bố mẹ. Để nuôi dạy con cái một cách tốt nhất, chúng ta cần học các kỹ năng và lên kế hoạch chi tiết trước khi đảm nhiệm trọng trách.

Nhà nghiên cứu Makoto Shichida (Nhật Bản) – cha đẻ của phương pháp giáo dục Shichida nổi tiếng đã chia sẻ trong cuốn sách “7 nghĩa cử của người làm cha” rất đề cao vai trò của người cha trong việc dạy dỗ con cái.

Makoto Shichida cho rằng: Trong giáo dục con cái, vai trò của cha mẹ là như nhau. Người vợ hãy trở thành “trợ lý” đắc lực của chồng trong việc làm cha. Hai người cần chia sẻ cùng nhau những biểu hiện của con trẻ trong cuộc sống hàng ngày mà mình quan sát được với đối phương, để cùng tìm ra phương pháp giáo dục hợp lý. Ngoài ra, bố và mẹ có thể trở thành “quân sư” cho nhau khi giữa người kia và con cái có bất hòa.

“Nếu vợ chồng bạn có khúc mắc, hãy giải quyết vấn đề đó một cách riêng tư. Là vợ, đừng bao giờ chỉ trích chồng trước mặt con cái. Khi người mẹ suốt ngày than phiền hay nói những lời không tốt về bố, lũ trẻ cũng sẽ nghĩ rằng bố chúng là người đàn ông kém cỏi và không đáng tin cậy.

Những người vợ đừng phê bình phương pháp giáo dục của người chồng trước mặt các con. Hai người hãy ngồi lại và bàn bạc xem cách nào là tốt nhất cho con trước khi bảo trẻ nên làm thế nào. Đừng để đứa bé lúng túng khi bố nói thế là đúng, nhưng mẹ lại bảo là sai” - Nhà nghiên cứu Makoto Shichida.

 

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/