Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho rằng Hiệu trưởng lạm quyền, giáo viên mẫu giáo Bình Thạnh bức xúc gửi đơn


Một giáo viên của trường mẫu giáo Bình Thạnh khẳng định, đã tiếp tục gửi đơn tố cáo lên tỉnh Long An về việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lạm quyền.

Ngày 25/7, một giáo viên của trường mẫu giáo Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xác nhận, cô và một số đồng nghiệp trong trường đã làm đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh Long An về việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường cô lạm quyền, thực hiện không đúng theo quy định của ngành trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh.

Trước đó, hồi tháng 4/2021, một số giáo viên của trường mẫu giáo Bình Thạnh đã có đơn tố cáo gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủ Thừa, Ủy ban nhân dân xã Bình Thạnh tố nhiều vấn đề liên quan đến hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường này.

Theo đơn của giáo viên viết: "Trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19, giáo viên trường phải đi trực, nhưng với các trường khác trong huyện được hưởng tăng giờ, mà trường Bình Thạnh thì lại không được hưởng, bắt buộc hoàn ngân nếu không thì không được lãnh lương tháng mới.

Lớp học thì thiếu nước lau sàn, nước rửa chén thì không có để rửa chén cho trẻ ăn. Hợp đồng ký kết với công ty thực phẩm do hiệu trưởng tự ý ký hợp đồng mà không công khai trước hội đồng sư phạm nhà trường, là giá thành thực phẩm quá cao, nhưng bữa ăn của trẻ không đảm bảo dinh dưỡng.

Họp ban mua sắm chỉ lên kế hoạch mua sắm, sửa chữa dự trù kinh phí nhưng được duyệt bao nhiêu thì không công khai trước Ban mua sắm hay Hội đồng sư phạm nhà trường.

Hiệu trưởng tự ý sử dụng khuôn viên trường (điểm Bình Cang 1) để cho tư nhân trồng mai nhiều năm, hoàn toàn không công khai cho tập thể hay hội đồng trường được biết.

Cung cách làm việc của ban giám hiệu không dân chủ, theo hình thức trên nói dưới phải nghe, nếu giáo viên có ý kiến phản ánh thì có biện pháp trù dập, trong khi ban giám hiệu luôn đưa ra phương hướng nhiệm vụ hàng tháng "Thực hiện quy chế dân chủ".

Ban Giám hiệu trường chỉ thỉnh thoảng xuống giờ ăn, giờ ngủ của trẻ - đó không phải là hoạt động giáo dục mà là hoạt động chăm sóc. Họp hội đồng hay chuyên môn hàng tháng đều ghi "Dạy đúng số buổi quy định".

Ban giám hiệu bắt giáo viên đi dạy theo sự sắp xếp của mình. Nếu xin đổi buổi thì phải có minh chứng, giáo viên không được thỏa thuận đi ca sáng hay chiều mà là do ban giám hiệu sắp xếp".

Sau đó, ngày 2/7/2021, ông Đinh Văn Sáu – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã ký kết luận số 698/KL-UBND về kết luận nội dung tố cáo đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường mẫu giáo Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa.

Trường mẫu giáo Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (ảnh: CTV)

Căn cứ vào kết luận này, Chủ tịch huyện Thủ Thừa cho biết, nội dung tố cáo của giáo viên trường mẫu giáo Bình Thạnh là không trung thực, không đúng, chưa chính xác, không có cơ sở, tố cáo sai hoặc chỉ đúng 1 phần, hay không có minh chứng để tố cáo…

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ giáo viên đại diện cho nhóm giáo viên đứng đơn tố cáo cho biết, cô hoàn toàn không đồng ý với kết luận nội dung tố cáo này của huyện Thủ Thừa.

Hiện cô đã làm đơn tố cáo vụ việc này lên các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Long An về vấn đề xảy ra tại trường mẫu giáo Bình Thạnh. Đơn đã được gửi qua hệ thống bưu điện từ ngày 14/7.

Sổ ghi chép thể hiện cô Phú - hiệu trưởng chỉ lên lớp lúc 10h30 trưa, khi các cháu đang ăn trưa (ảnh: CTV)

Theo kết luận nội dung tố cáo, tại nội dung số 5 cho thấy nội dung tố cáo của các giáo viên là đúng một phần. Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có tham gia các hoạt động giáo dục theo quy định (năm học 2019 - 2020, hiệu trưởng dạy 53,5 giờ còn phó hiệu trưởng 144 giờ/28 tuần, năm học 2020 - 2021 thì hiệu trưởng dạy 61,5 giờ còn phó hiệu trưởng dạy 115 giờ).

Tuy nhiên, việc này chưa đảm bảo đúng và đủ với yêu cầu là 2 giờ/tuần với hiệu trưởng và 4 giờ/tuần với phó hiệu trưởng theo quy định tại khoản 4, điều 4 của Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục, có tuần dạy đủ nhưng có tuần chưa dạy đủ.

Theo kết luận, việc giáo viên yêu cầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải dạy vào giờ học của trẻ là không đúng theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Về nội dung kết luận trên, cô giáo đứng tên trên đơn cho biết: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo như kết luận (nội dung tố cáo 5) là có số giờ dạy không đủ theo quy định, nhưng không rõ hình thức xử lý sẽ như thế nào? Nếu giáo viên làm thiếu giờ thì sẽ bị trừ giờ, còn hiệu trưởng và phó hiệu trưởng khi bị vậy thì lại không thấy hình thức xử lý.

Trong trường có tổ chức họp hội nghị, các cuộc họp đầy đủ, nhưng giáo viên không được quyền có ý kiến, hay có ý kiến thì sẽ bị bác bỏ.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Ban Giám hiệu độc quyền, độc đoán mà kết luận chỉ đề nghị rút kinh nghiệm nên giáo viên không đồng ý.

Việc thiếu nước rửa chén, nước lau sàn là có thật, giáo viên có hình ảnh và cũng nhiều lần phản ánh lên Ban Giám hiệu trường trong năm học. Giáo viên này đề nghị cần xác minh tập thể với giáo viên và công đoàn.

Giáo viên đặt vấn đề: Phòng Giáo dục hay Ủy ban nhân dân huyện có bao giờ tổ chức cho Ban Giám hiệu trường kiểm tra về năng lực chuyên môn hay không? Vì giáo viên cho rằng, phó hiệu trưởng nhà trường chưa nắm vững về mặt chuyên môn.

Theo nữ giáo viên đứng tên trong đơn tố cáo này, chiều ngày 26/7, cô có gọi điện thoại gặp vị Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An, thì được ông này cho biết, đơn tố cáo của cô gửi lên Sở này sẽ được trả về bằng đường bưu điện, do không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Theo đó, trong trường hợp đủ chứng cứ để tố cáo tiếp, cô giáo cần gửi đơn lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An để tiếp tục được thụ lý theo đúng thẩm quyền.

Nguồn https://giaoduc.net.vn