Thay vì chi ra quá nhiều tiền để mua các loại thuốc bổ đắt tiền, bố mẹ nên lưu ý 5 loại "thuốc" này. Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp con người phòng chống lại bệnh tật. Theo WHO, 95% trẻ từ 0 đến 6 tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện là nguyên nhân khiến bé dễ nhiễm bệnh. Trong đó, các bệnh như ho, sốt, sổ mũi rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Vì vậy việc làm thế nào để giúp bé phòng chống nhiễm bệnh, nhiễm virus,... là điều được các mẹ đặc biệt quan tâm, nhưng không phải mẹ nào cũng biết thực hiện đúng cách tăng sức đề kháng cho con để đạt hiệu quả tối đa.
Trả lời câu hỏi phải làm sao để tăng sức đề kháng cho trẻ 18 tháng hay bị ốm, ho, sốt; bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2, đồng thời cũng là bác sĩ Nhi khoa được nhiều mẹ Việt tin tưởng và yêu mến cho biết, muốn tăng sức đề kháng cho con, bố mẹ phải lưu ý 5 loại "thuốc" dưới đây: - Thứ nhất, chích ngừa. Các bố mẹ cần phải nhớ và tuân thủ lịch chích ngừa cho bé, nhất là những mũi chích nhắc lại. Trong đó các mũi cúm phải nhắc lại mỗi năm. - Thứ hai, chế độ dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng. Trong độ tuổi này cần phải tập trung vào nhóm tinh bột, ngũ cốc và chất xơ. Ngoài ra còn có sữa và chất đạm, nhưng thông thường hai nhóm chất này luôn được các bố mẹ bổ sung hàng ngày cho bé, thậm chí còn cho con ăn nhiều hơn nên chỉ cần chú trọng ba chất kia là được. - Thứ ba, giấc ngủ của con. Phải cho con ngủ đủ giấc theo khuyến cáo cho từng độ tuổi. - Thứ 4, tập luyện thể thao. Tuy nhiên, bố mẹ nên tập luyện cùng con để rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng cho bản thân. - Thứ 5, hãy để con được ốm. Trong đó, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng nhấn mạnh: "Nói như vậy không phải là do bác sĩ vô tâm hay không có lương tâm mà mỗi lần bị như vậy là con sẽ kháng thể để chống chọi lại bệnh tật. Bố mẹ nên hiểu rằng, không có một đứa trẻ nào lớn lên mà không bị ốm." Cách điều trị trẻ bị ho và sốt nhẹ: - Cho trẻ uống nhiều nước: Bố mẹ nên cho bé uống nhiều hơn bình thường để bù nước do sốt và loại bỏ các loại độc tố dễ dàng hơn. Đồng thời, nước cũng sẽ giúp giảm triệu chứng đau họng, ngứa rát cổ và làm dịu các cơn ho. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ còn bú mẹ, mẹ nên cho bé bú nhiều lần, chia làm nhiều cữ hơn. - Chườm khăn ấm: Dù bé sốt nhẹ nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn cao hơn bình thường, chườm khăn hạ sốt bằng loại khăn mát (không dùng khăn lạnh cho trẻ), chườm tại vị trí có mạch máu đi qua như hai nách, hai bẹn, hai bên cổ. - Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng: Trẻ bị ho sổ mũi kéo dài kèm theo sốt thường rất dễ mất sức. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, chất xơ sẽ giúp nâng cao sức đề kháng. Nên cho bé ăn ở dạng loãng như súp, cháo và nước ép hoa quả cho bé dễ nuốt. - Điều trị bằng thuốc: Việc sử dụng thuốc nên theo chỉ định của dược sĩ, bác sĩ bởi tùy từng độ tuổi của trẻ mà sẽ có loại thuốc, liều dùng thuốc khác nhau. Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nếu thấy trẻ bị ho và sốt nhẹ liên tục không giảm, bố mẹ không nên chủ quan mà cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, tránh để tình trạng bệnh nặng hơn. Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM. Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích. Theo Trí Thức Trẻ
|