Để con không mắc di chứng suốt đời vì căn bệnh này, cha mẹ cần lưu ý những điều sau
Chỉ trong 1 tuần, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng đã phải tiếp nhận 3 bệnh nhi bị viêm não, trong đó bé gái S.T.P (15 tuổi) trú tại xã Cao Chương, Trùng Khánh nhập viện đã trong tình trạng nặng - suy hô hấp, hôn mê... Các bác sĩ BV đa khoa tỉnh Cao Bằng đang cấp cứu cho bệnh nhi 15 tuổi hôn mê do viêm màng não (ảnh BVCC) Theo thông tin từ BV đa khoa tỉnh Cao Bằng, chỉ trong tuần qua, Bệnh viện này đã tiếp nhận 3 trường hợp viêm não, viêm màng não nhập viện, trong đó có trường hợp nặng phải vào khoa cấp cứu, điều trị tích cực. Bệnh nhi D 37 tháng tuổi, vào viện ngày 25/6 trong tình trạng sốt cao liên tục, kèm đau đầu, nôn, ăn kém. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm được các bác sĩ chẩn đoán: viêm não. Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi 13 tuổi trú lại Xuân Trường, Bảo Lạc nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, có biểu hiện nói khó sau thăm khám được chẩn đoán viêm não, màng não. Hiện tại được điều trị và chăm sóc tại Khoa Truyền nhiễm, sức khoẻ đã ổn định. Nặng hơn hai bệnh nhân trên là trường hợp bé gái S.T.P (15 tuổi) trú tại xã Cao Chương, Trùng Khánh nhập viện điều trị trong tình trạng nặng: suy hô hấp, hôn mê. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và hội chẩn liên khoa thống nhất với chẩn đoán: viêm màng não. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện này cho hay chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi nhập viện vì bệnh viêm não Nhật Bản tăng đột biến. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, Trung tâm bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản. Trong số các bệnh nhi đã và đang điều trị có khoảng 70% số trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề của bệnh. Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, viêm não - màng não thường gặp ở trẻ em và là căn bệnh nguy hiểm. Màng não làm nhiệm vụ bảo vệ bao bọc xung quanh não và tủy sống. Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng của màng não. Viêm màng não thường do vi khuẩn HIB, mô cầu, phế cầu... gây nên, ngoài ra còn có thể do vi rút, nấm, ký sinh... Bệnh viêm não, màng não, có thể gây biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không điều trị sớm. Đối với viêm não Nhật Bản, TS Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên, đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi. Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Để phòng ngừa các bệnh viêm màng não - viêm não, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng. Loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Nằm màn khi ngủ, ngoài ra cần phun thuốc diệt muỗi. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin phòng viêm não ngay từ nhỏ, theo tư vấn của bác sĩ. Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và lưu lại lịch tiêm chủng của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ. Đáng lưu ý, theo bác sĩ Lâm, hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. "Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Do đó, các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi" - ông Lâm nhấn mạnh. Nguồn Infonet
|