Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé bị hăm tã, khi nào cần điều trị?


 

Trẻ bị hăm ở dạng nhẹ có thể tự động khỏi, không cần điều trị. Nhưng khi có những dấu hiệu nặng hơn, bé cần được đưa đi khám tại các chuyên khoa da liễu nhi.

Bé nhà tôi 5 tháng tuổi, gần đây thường xuyên bị hăm tã, dù tôi đã cho bé bôi kem chống hăm. Vậy dấu hiệu hăm nặng là thế nào và khi nào cần đưa bé đi bác sĩ điều trị?

Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội)

Hăm tã là phản ứng của da khi hệ thống bài tiết tại da bị bít kín như đổ mồ hôi nhiều mà không được thông thoáng, nước tiểu đọng lại trong tã bỉm lâu, da bị tổn thương. Hăm có thể gây ra mụn nhọt nếu như bé gãi vì ngứa ngáy, da sẽ bị trầy xước, dễ nhiễm khuẩn hoặc có thể nhiễm nấm do ẩm ướt. Hăm tã thường gặp ở trẻ dùng bỉm thường xuyên và tầm từ 3-15 tháng tuổi.


Hăm tã thường gặp ở trẻ dùng bỉm thường xuyên. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu bé bị hăm tã thường xuất hiện và có thể thấy bằng mắt thường, đó là: Đỏ da ở vùng quấn tã, đỏ da ở xung quanh bộ phận sinh dục, kèm theo mùi khai. Vùng da đỏ có thể bắt đầu từ hậu môn của bé sau đó lan dần ra tới mông và đùi, da căng và có lốm đốm đỏ, nếu bội nhiễm thì ở giữa có mủ... Trẻ bị hăm da thường đau lúc đi vệ sinh, quấy nhiều, thậm chí kém ăn, ít ngủ, rất khó chăm sóc.

Việc điều trị hăm tã cho trẻ còn tùy thuộc tình trạng hăm của trẻ. Hăm ở dạng nhẹ sẽ tự động khỏi không cần điều trị. Nên cho trẻ đi khám chuyên khoa da liễu nhi ngay nếu thấy có các dấu hiệu như: Tình trạng hăm xấu hơn, lan rộng hơn và không hết sau 2-3 ngày. Hăm lan tới bụng, tay, lưng, mặt. Trẻ sốt, vùng da bị hăm tấy đỏ, nổi mụn, phồng, loét hoặc vết thương đầy mủ... thì có thể vùng da đó đã bị bội nhiễm hay nhiễm nấm.

Nguồn Sức khỏe đời sống