Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Học giữ lời hứa từ người lớn: Dạy con chữ “tín”


 

Trẻ giữ lời hứa không chỉ thể hiện sự tôn trọng người khác, mà còn là coi trọng chính mình. Vì vậy, với những thứ “ngoài tầm với”, trẻ cần dũng cảm nói “không” để tránh trở thành người thất hứa.

Lời hứa phải được thực hiện bằng hành động của người lớn

Những lần thất hứa của cha mẹ ảnh hưởng nhiều đến trẻ và khiến khó có thể mong con biết giữ lời. Không chỉ vậy, việc thực hiện lời hứa còn như sợi dây vô hình gắn kết trẻ với cha mẹ.

Dùng bài học thất hứa để dạy con

Gia đình nọ có ông bố rất chiều con gái. Một hôm ở trường, cô bé bảo rằng, cuối tuần sẽ mời các bạn đến nhà chơi để thưởng thức món ăn do mẹ mình làm. Tuy nhiên, cô bé đã quên lời hứa. “Tớ chỉ nói vậy, không cần các cậu phải tin mà”, cô bé nói với bạn.

Hành động này khiến bạn của cô bé rất buồn. Một hôm khác, bố cô bé hẹn rằng, cả nhà sẽ đi công viên chơi vào cuối tuần. Song, mặc dù dậy sớm và ăn mặc chỉn chu, nhưng cô bé phải chờ bố rất lâu. Một lúc sau, người bố bước xuống với bộ đồ ngủ và bảo: “Bố nói vậy lúc có hứng thôi. Bây giờ bố tự dưng không muốn đi nữa, mình ở nhà nhé!”.

Cô bé liền chất vấn: “Bố hứa và con đã chuẩn bị tất cả rồi mà”.

“Bố hứa nhưng cũng có thể quên mà, con đã bảo thế còn gì”, người bố đáp.

Nhờ hành động này, cô bé chợt hiểu cảm giác của những người bạn khi mình thất hứa. Cô nhanh chóng gọi điện xin lỗi hai bạn.

Thấy vậy, bố và mẹ cô bé đều rất vui, khi con biết nhận sai và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, cũng như giữ lời khi đã hứa.

Có lẽ, không chỉ trẻ hay quên lời hứa, nhiều phụ huynh cũng lâm vào tình cảnh này. Giữa bộn bề công việc, không phải cha mẹ nào cũng nhớ đến những điều mình đã hứa với con. Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh tin rằng, trẻ rất ham chơi, nhanh nhớ, nhanh quên và sẽ không nhớ những gì cha mẹ đã nói. Hơn thế, một số phụ huynh tự cho mình quyền được thất hứa với trăm nghìn lý do như: Cha mẹ bận trăm công nghìn việc, hoặc không làm được cái này thì đền cho thứ khác...

Song, thực tế, những lần thất hứa đó của cha mẹ sẽ ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Bởi, nếu cha mẹ thất hứa, sao có thể mong con biết giữ lời? Không chỉ vậy, việc thực hiện lời hứa còn như sợi dây vô hình gắn kết trẻ với cha mẹ.

Chị Hải Ninh (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận đã nhiều lần thất hứa với con. Nữ phụ huynh từng hứa sẽ thưởng tiền mỗi khi bé mang về một điểm 10. Tuy nhiên, sau khi thấy con thường xuyên đạt điểm cao, chị “ngó lơ” và “quên” lời hứa của mình.

“Khi đó, tôi nghĩ rằng, con còn bé nên chắc sẽ nhanh quên thôi. Tuy nhiên, một thời gian sau, cháu vẫn nhớ và nhắc lại lời nói của mẹ”, chị Ninh chia sẻ. Thậm chí, bé còn nói rằng, mẹ đã thất hứa.

“Lúc nghe thấy con nói vậy, tôi khá bất ngờ. Tôi không nghĩ rằng, con hiểu đó là hành động thất hứa. Kể từ lúc đó, tôi quyết định sẽ thay đổi và không hứa những điều mình không thể thực hiện”, chị Ninh giãi bày.

Trong khi đó, chị Hoàng Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, bé Chíp nhà chị năm nay lên lớp 4, nhưng thường xuyên không giữ lời. Tối thứ Bảy nào Chíp cũng hứa sẽ dậy sớm vào hôm sau để phụ mẹ dọn nhà. Tuy nhiên, số lần Chíp thực hiện được lời hứa chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

“Vì thường xuyên không thực hiện như đã nói, nên tôi không quá bất ngờ trước hành động đó của con. Thực ra, việc con dậy sớm phụ tôi quét nhà mới là điều khiến tôi ngạc nhiên”, chị Hoàng Anh tâm sự.

 

Con trẻ sẽ học theo cách mà cha mẹ thể hiện lời hứa trong cuộc sống hàng ngày

Chiếm “trọn” niềm tin của con

Đứng trước những trường hợp con thất hứa, phần lớn phụ huynh đều... thở dài và cho qua. Hoặc, số khác chọn nói thẳng với con, nhưng đi kèm đó là thái độ gay gắt, trách phạt. Song, có lẽ, cả hai cách làm đó đều không mang lại hiệu quả. Bởi, những hành động đó của cha mẹ cũng sẽ không giúp con hiểu về tầm quan trọng của lời hứa.

Chị Thanh Thảo (nickname Dany Thảo) - một phụ huynh tại TPHCM và là người thường xuyên “mách nước” các ông bố, bà mẹ cách nuôi dạy con hiệu quả, nhấn mạnh: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất là cha mẹ cũng cần giữ lời hứa. Từ đó, cho con thấy sự nhất quán giữa nói và làm. Bé sẽ hiểu được rằng “mẹ nói là chắc chắn sẽ như vậy”. Khi con đặt 100% niềm tin vào cha mẹ, phụ huynh đã thành công 50% trong quá trình dạy con rồi”.

Nữ phụ huynh nêu ví dụ, nếu con đòi ăn kẹo trước giờ cơm, mẹ có thể yêu cầu bé đưa kẹo để mẹ giữ. Đồng thời, mẹ hứa sẽ trả con kẹo sau khi bé ăn xong. Khi đó, con sẽ hiểu rằng chắc chắn sau khi ăn hết cơm, mẹ sẽ trả lại kẹo. Với suy nghĩ đó, trẻ sẽ không mè nheo hay ăn vạ. Bởi, con biết, mẹ sẽ giữ lời hứa và không thỏa hiệp dù bé có làm gì đi nữa.

Bên cạnh đó, theo chị Thảo, để giúp con hiểu thế nào là giữ lời, cha mẹ cần cân nhắc kỹ và chắc chắn phải thực hiện. Đặc biệt, phụ huynh không nên làm qua loa, đại khái hoặc “quên” những gì đã hứa.

“Vì vậy, chúng ta không nên hứa với con những điều quá khả năng. Cũng đừng nên hứa quá nhiều. Bởi, chúng ta có thể sẽ không nhớ hết, không thực hiện được, làm mất lòng tin ở con”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Để phương pháp này hiệu quả, chị Thảo gợi ý, phụ huynh có thể đặt ra quy định trong gia đình và phải cam kết làm đúng. Ví dụ, quy định về giờ ăn, giờ ngủ, giờ xem hoạt hình… Trong trường hợp con không thực hiện đúng, trẻ sẽ phải chịu phạt. Cha mẹ có thể để con biết, cũng như nhớ quy định đó, bằng cách thực hiện thường xuyên, nhất quán. Phụ huynh nên thống nhất điều đó với các thành viên khác trong gia đình.

“Ví dụ, cha mẹ quy định mỗi ngày con chỉ được phép xem hoạt hình 30 phút. Nếu vi phạm, con sẽ không được xem trong 2 ngày sau đó. Trước khi cho con xem, phụ huynh sẽ nói rằng: “Con chỉ được xem hoạt hình 30 phút thôi nhé, khi nào đồng hồ reo là chúng ta tắt tivi”. Sau đó, đợi con gật đầu và mở tivi cho bé xem. Cha mẹ có thể bấm đồng hồ đếm ngược hoặc bật báo thức”, nữ phụ huynh gợi ý. Trong trường hợp con mè nheo đòi xem tivi nhiều hơn thời gian đã cam kết, phụ huynh cần kiên quyết thực hiện như khi trẻ đã hứa và không “dao động”.

Bên cạnh đó, chị Thảo nhấn mạnh, nếu đã hứa với con, nhưng chưa thể thực hiện, cha mẹ cần chủ động nói với trẻ. Điều quan trọng là phụ huynh cần chủ động nói với con trước và chắc chắn thực hiện ngay sau đó, không kéo dài tới lần hẹn thứ 3.

Dũng cảm nói “không”

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý, Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Điều đầu tiên là cha mẹ cần nói với con ý nghĩa của việc giữ lời hứa. Giữ lời hứa là cách để xây dựng sự tin tưởng cho các mối quan hệ. Nếu mọi người thấy con đã giữ lời hứa trong quá khứ, họ sẽ sẵn sàng tin tưởng và đầu tư cho mối quan hệ. Bởi, họ nghĩ con sẽ tiếp tục giữ lời hứa trong tương lai”.

Trái lại, người bị con thất hứa sẽ tổn thương. Người đó cũng hiểu rằng, con không thực sự coi trọng họ. Dù đó là lời hứa nhỏ, nhưng nếu con “nuốt lời”, đối phương sẽ “ngầm” hiểu, họ không thể tin tưởng vào trẻ. PGS Nam nhấn mạnh, việc nuốt lời sẽ hình thành những vết rạn, phá hủy mối quan hệ.

“Khi không giữ lời hứa, con cũng thể hiện sự không coi trọng lời nói và giá trị của chính mình. Không giữ lời hứa cũng giống với không tôn trọng bản thân. Điều đó thực sự gây tổn hại cho lòng tự trọng và hình ảnh bản thân trong cuộc sống thực”, chuyên gia nhận định.

Sau khi con đã hiểu, cha mẹ có thể hướng dẫn con các kỹ năng để rèn luyện bản thân thành người luôn giữ lời hứa. Trước hết, con cần suy nghĩ kỹ và có trách nhiệm với lời mình nói. Lời hứa cũng là một cam kết của bản thân con. Việc thực hiện lời hứa cũng chính là làm cho con. Chuyên gia cho rằng, thông thường, không ít người đưa ra lời hứa một cách bốc đồng. Hoặc, họ hứa vì lịch sự, hay để thoát khỏi sự làm phiền của người khác.

“Lời hứa sẽ dễ dàng được thực hiện hơn nếu bản thân con thực sự muốn làm như vậy. Do đó, hãy tính đến các động cơ thúc đẩy bản thân đằng sau lời hứa. Không nên thực hiện lời hứa vì một mục đích không tốt”, PGS Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người giữ lời hứa cũng cần dũng cảm học cách nói “không”. Bởi, nhiều trường hợp các con biết chắc sẽ không thể hoàn thành lời hứa. Ví dụ, con cảm thấy không thể chịu đựng được ánh mắt nài nỉ của người bạn. Con cảm thấy có áp lực phải nói “có” để mọi người vui và thích con. Khi đó, chuyên gia gợi ý, con hãy nói về những điều ngoài khả năng của mình. Sau đó, dũng cảm nói “không” một cách thân thiện.

Cuối cùng, trẻ cần hình thành một nguyên tắc là: Nếu vì bất kỳ lý do nào đó không thể thực hiện được lời hứa, cần nói lời xin lỗi chân thành một cách sớm nhất. Ví dụ, dù đã hứa đến tham dự một sự kiện quan trọng của bạn, nhưng trẻ có việc quan trọng phát sinh và không thể đến đúng giờ. Trong tình huống này, con cần thông báo đủ sớm cho bạn. Như vậy, bạn sẽ có thể lên kế hoạch khác. Theo PGS Nam, ai cũng sẽ có những việc đột xuất. Song, điều quan trọng là có những lời giải thích kịp thời và chân thành cho sự thay đổi đó.

“Dạy con giữ lời hứa sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy tích cực về giá trị bản thân. Giữ lời hứa không chỉ tốt cho người khác, cho các mối quan hệ, mà còn tốt cho chính bản thân con chúng ta”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/