Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ ra quá nhiều mồ hôi- Xử lý thế nào


Nhiều phụ huynh lo lắng vì vấn đề con ra nhiều mồ hôi. Có người gọi tình trạng này là ra mồ hôi trộm.

Trẻ ra quá nhiều mồ hôi được coi là tăng tiết mồ hôi, là tình trạng mồ hôi được bài tiết nhiều hơn mức cần thiết ở nhiệt độ bình thường. Tình trạng này có thể bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng này, tuy nhiên những vị trí thường gặp là lòng bàn tay, bàn chân, và nách.

Triệu chứng tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi chia ra làm tăng tiết mồ hôi cục bộ và toàn thân. Tăng tiết mồ hôi thường gây ra tình trạng căng thẳng về cảm xúc, và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân.

Tiết mồ hôi khu trú: Có nhiều mồ hôi ở một vị trí trên cơ thể. Nó có thể là trên da đầu, hoặc toàn bộ đầu mặt và cổ. Bạn có thể thấy gối của con ướt trong khi ga trải giường khô, trẻ lớn hơn có thể có chảy mồ hôi ở nách trong khi ngủ.

Tiết mồ hôi toàn thân: Trẻ có nhiều mồ hôi trên toàn cơ thể. Ga giường, gối có thể ướt đẫm mồ hôi, nhưng trẻ không có đái dầm.

Tăng tiết mồ hôi khi ngủ thường gặp ở trẻ

Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi có thể tiên phát hoặc thứ phát sau một số bệnh lý, rối loạn chuyển hóa, sốt, hoặc sau dùng thuốc.

Phần lớn nguyên nhân của tăng tiết mồ hôi là tiên phát, tức là không có tổn thương thực thể. Đó là khi các hệ thống thần kinh chịu trách nhiệm chi phối hoạt động của tuyến mồ hôi trở nên tăng hoạt, và kích thích tuyến bài tiết mồ hôi ngay cả khi không cần thiết. Khi đứa trẻ căng thẳng vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Thể này thường gây tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân của trẻ.

Do cấu trúc tuyến mồ hôi: Trẻ nhỏ có số lượng tuyến mồ hôi trên mỗi m2 da nhiều hơn người lớn do cơ thể bé hơn người lớn. Ngoài ra, trẻ chưa học được cách cân bằng nhiệt độ của cơ thể như ở người lớn. Điều đó có thể dẫn tới tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm mà không có bất kỳ lí do gì cả.

Tăng tiết mồ hôi thứ phát xảy ra khi có tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến cơ thể. Nó thường ít phổ biến hơn và gây tăng tiết mồ hôi toàn cơ thể. Sau đây là một số nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi thứ:

Dấu hiệu sớm thiếu vitamin D:

• Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích.

• Ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm).

• Trẻ bị rụng tóc ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm).

Cường giáp: Cường giáp có thể là nguyên nhân tăng tiết mồ hôi. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đi kèm như sụt cân, nhịp tim nhanh, và lo lắng.

Cảm lạnh: Một đứa trẻ đổ mồ hôi trộm có thể cảm lạnh. Bệnh nhân có các triệu chứng: ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, đau mỏi người…Triệu chứng có thể kéo dài khoảng 1 tuần

Sự thay đổi hormon: Ở những trẻ lớn, tăng tiết mồ hôi có thể do thay đổi hormon. Dậy thì có thể bắt đầu từ 8 tuổi ở trẻ gái và 9 tuổi ở trẻ trai. Và sự thay đổi này có thể dẫn tới trẻ bài tiết nhiều mồ hôi hơn. Dậy thì có thể kích hoạt tình trạng đổ mồ hôi toàn thể, cả ngày hoặc chỉ là tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm.

Bệnh lý ác tính: U lympho và một số loại ung thư khác là căn nguyên rất hiếm gặp gây mồ hôi trộm ban đêm. U lympho không chỉ đơn thuần gây ra tình trạng đổ mồ hôi khi đi ngủ, mà nó còn có thể có một số triệu chứng khác đi kèm.

Bạn nên lưu ý một số triệu chứng thường gặp đi kèm như: Sốt; buồn nôn, nôn; chán ăn, sụt cân, da xanh; nổi hạch.

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, có thể có một số căn nguyên bên ngoài tác động, gây đổ mồ hôi nhiều ở trẻ, như:

Nhiệt độ phòng quá ấm: Để đứa trẻ đắp quá nhiều chăn hoặc trong phòng quá ấm có thể làm con bạn tiết nhiều mồ hôi hơn. Vì vậy với trẻ dưới 1 tuổi không nên đặt quá nhiều gối, chăn hoặc các vật dụng khác trong cũi của chúng.

Điều trị thế nào?

Trong phần lớn các trường hợp, đứa trẻ không phải điều trị bất kỳ vấn đề gì.

Cố gắng mặc cho con bạn những bộ quần áo thoải mái, thoáng mát, nhẹ hơn, và giảm bớt nhiệt độ phòng trong đêm.

Tắm hằng ngày: Thường xuyên tắm sẽ giúp giảm số lượng vi khuẩn trên da của trẻ, đặc biệt là vùng da tăng tiết mồ hôi. Giữ cơ thể khô ráo, đặc biệt giữa các ngón chân, ngón tay và nách.

Lựa chọn quần áo phù hợp với hoạt động của trẻ. Nói chung, mặc quần áo bằng các loại vải tự nhiên, như cotton, len và lụa, cho phép làn da thở.

Ngoài ra có một số loại kem bôi da, thuốc có thể làm giảm triệu chứng đổ mồ hôi, tuy nhiên việc sử dụng những chế phẩm đó phải được chỉ định bởi bác sĩ nhi khoa.

Khi nào nên khám bác sĩ?

Trẻ tăng tiết mồ hôi kèm sốt kéo dài, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám

Nếu con bạn có tình trạng tăng tiết mồ hôi quá mức thì nên gặp bác sĩ nhi khoa. Tăng tiết mồ hôi quá mức không có nghĩa rằng là con bạn đang gặp các vấn đề nhi khoa nghiêm trọng. Phần lớn đứa trẻ có tăng tiết mồ hôi quá mức có tình trạng sức khỏe bình thường khi thăm khám. Tuy nhiên tăng tiết mồ hôi có thể là triệu chứng sớm của một bệnh lý nặng, vì vậy tốt nhất con bạn nên được đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Các triệu chứng xuất hiện cùng với ra mồ hôi trộm mà bạn cần cho con đi khám là:

• Thở bất thường, khò khè, thở nông

• Nổi hạch

• Sụt cân, chán ăn

• Nôn nhiều, tiêu chảy

• Đầu mềm, thóp rộng, rụng tóc

• Sốt kéo dài

• Kích thích, hồi hộp, khó chịu

Tóm lại ra mồ hôi trộm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phần lớn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trai, ra mồ hôi trộm ban đêm thường không có nguyên nhân tổn thương về sức khỏe. Trong phần lớn các trường hợp, đứa trẻ không cần phải điều trị gì cả.

ThS.BS.Nguyễn Sỹ Đức

(Bộ môn Nhi - ĐH Y Hà Nội)

Nguồn https://suckhoedoisong.vn